Bốn lần ngồi tù vì buôn 'cái chết trắng'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Dẫm lên 'vết xe đổ' của chính mình, Nguyễn Thị Phương (67 tuổi, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) bốn lần hầu tòa vì tội mua bán trái phép chất ma túy.

Bị cáo Nguyễn Thị Phương tại phiên tòa.
Bị cáo Nguyễn Thị Phương tại phiên tòa.

Bán sắt vụn mua ma túy

Buổi sáng cuối tháng 10, bị cáo Nguyễn Thị Phương (SN 1956), trú tại xã Châu Kim, huyện Quế Phong bước khập khiễng, khó nhọc vào phòng xử án của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An.

Người phụ nữ lớn tuổi, mái tóc điểm bạc này nhiều năm nay phải sống chung với căn bệnh xương khớp và di chứng của một vụ tai nạn giao thông. Vừa bước đến vị trí dành cho bị cáo, bị cáo vội quay xuống nhìn các con đang ngồi phía sau.

Đây là lần thứ 4 bị cáo Phương hầu tòa. Điều đáng nói, cả 4 lần người phụ nữ này đều phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Khác với đa số bị cáo, thường vi phạm pháp luật khi tuổi còn trẻ do bồng bột, bị cáo Phương lại vướng vào vòng lao lý khi đã gần 50 tuổi.

Năm 2002, Nguyễn Thị Phương bị tòa tuyên án 8 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Sau 1 năm ra tù, người đàn bà này tiếp tục đi vào “vết xe đổ” của bản thân và lĩnh mức án 5 năm tù.

Bảng “thành tích” bất hảo của bị cáo Phương tiếp tục kéo dài thêm khi vào năm 2011, người phụ nữ này bị tòa án tuyên phạt 9 năm tù cũng do gieo rắc “cái chết trắng”.

Năm 2019, Nguyễn Thị Phương trả xong bản án lần thứ 3. Sau nhiều năm sống cảnh “cơm tù, áo số”, bà Phương trở về địa phương để làm lại cuộc đời. Người đàn bà này chọn công việc thu mua và nhặt sắt vụn để kiếm sống.

Công việc này dù thu nhập bấp bênh, vất vả nhưng chí ít cũng đem lại cho bà những đồng tiền chân chính. Chứng kiến sự thay đổi của người đàn bà từng nhiều lần “vào tù, ra tội” bà con lối xóm, nhất là các con rất vui mừng. Nhưng rồi, chỉ ít năm sau, người phụ nữ này lại khiến con cháu thất vọng khi lần nữa dính vào ma túy.

Đầu tháng 5/2023, biết được “lý lịch đi tù” của bà Phương, một người đàn ông (không rõ danh tính) đã “gạ” bà mua hồng phiến kém chất lượng với mức giá “hữu nghị”. Những ngày sau, suy nghĩ về việc mua bán ma túy cứ quanh quẩn trong tâm trí. Túng quá làm liều, bà Phương một lần nữa đưa chân vào con đường tội lỗi.

Ngày 13/5/2023, bà Phương liên lạc với người đàn ông đặt mua ma túy về bán kiếm lời. Sau khi thống nhất giá cả, địa điểm giao dịch, Phương thuê xe ôm chở đến điểm hẹn mua 7 gói ma túy với giá 3,5 triệu đồng. Người phụ nữ trả trước 1 triệu đồng, số còn lại xin khất nợ.

Ngày 15/5, bà Phương bắt xe khách, vượt chặng đường hàng trăm cây số xuống huyện Diễn Châu (Nghệ An) để bán ma túy cho một vị khách đã đặt mua từ trước. Khi người phụ nữ đang cầm 5 gói ma túy đứng trước cổng trường học ở xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu đợi khách thì bị công an bắt giữ.

Ngoài số ma túy trên, công an còn phát hiện 1 gói hồng phiến mà bà Phương cất giấu trong áo lót khi đưa vào trại tạm giam. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng còn phát hiện 1 gói ma túy trước đó người này cất giấu ở giường ngủ.

Cơ quan điều tra xác định, trong vụ án này Nguyễn Thị Phương phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi mua bán hơn 116 gam ma túy.

Bản án nghiêm khắc

Lần thứ 4 hầu tòa, do sức khỏe yếu, chân đau nên quá trình xét xử bị cáo Phương nhiều lần được Hội đồng xét xử (HĐXX) cho phép ngồi để trả lời các câu hỏi.

Nữ bị cáo đưa ra một số lý do để biện minh cho hành vi phạm tội của mình: Chồng mất, các con đã có cuộc sống riêng, hoàn cảnh khó khăn. “Để kiếm sống, bị cáo làm nghề thu mua sắt vụn về bán. Tuy nhiên, vì sức khỏe yếu nên bị cáo không đi xa được mà quanh quẩn gần nhà nên thu nhập thấp”, bị cáo Phương khai tại tòa.

“Vậy số tiền mà bị cáo dùng để mua ma túy từ đâu?”. Trước câu hỏi của vị thẩm phán, bị cáo Phương trả lời “bị cáo lấy tiền bán sắt vụn”. Nữ bị cáo này trình bày thêm, do bị đau ốm, bệnh tật quanh năm nên khi được người đàn ông nói có lô ma túy kém chất lượng bán rẻ, bị cáo đã mua để bán kiếm ít lời.

Về gói ma túy mà cơ quan công an phát hiện ở giường, bị cáo Phương khai đã cất giấu để bán lẻ kiếm lời và thỉnh thoảng sử dụng để giảm đau. Nữ bị cáo lặp lại nhiều lần lý do hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật để xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho mình.

Sau khi nghe đại diện Viện Kiểm sát thực hiện quyền công tố tại phiên tòa đề nghị mức án 20 năm tù, nữ bị cáo tỏ ra hốt hoảng. Bị cáo Phương liền chắp hai tay rồi kỳ kèo xin tòa bớt án tù xuống. “Bị cáo tuổi cao, hay đau bệnh xin quý tòa cho bị cáo mức án nhẹ hơn, tầm 15 năm thôi”, người phụ nữ trình bày.

Tuy nhiên, thẩm phán chủ tọa nghiêm khắc nhắc nhở việc bị cáo đã 3 lần đi tù về tội liên quan đến ma túy, nhưng không lấy đó làm bài học, vẫn tiếp tục phạm tội.

“Bản thân bị cáo đã lên chức bà rồi nhưng không làm gương cho con cháu, lại xem thường pháp luật. Không thể viện lý do già cả, bệnh tật để biện minh cho hành vi phạm tội của mình được”, chủ tọa phiên tòa nói.

Khi tòa nghị án, bị cáo Phương nhiều lần cúi mặt xuống bàn, thể hiện sự mệt mỏi. Hai người con ngồi phía sau chần chừ mãi mới tiến lên gần chỗ mẹ ngồi.

Cô con gái khóc nghẹn nhưng vẫn cố gắng nhắn nhủ mẹ vào trong đó giữ gìn sức khỏe, cải tạo tốt sớm trở về với con cháu. Cuộc trò chuyện ngắn ngủi của 3 mẹ con gián đoạn khi tòa tiếp tục làm việc.

HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, cần xử lý nghiêm minh mới đủ sức răn đe và phòng ngừa chung. Bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về việc làm của mình.

Tuy nhiên, bị cáo có nhân thân xấu, thuộc trường hợp tái phạm nhiều lần. Xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Phương 20 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.

Bước lên xe trở về trại giam, người phụ nữ luống tuổi ngoái đầu lại nhìn 2 cô con gái đang khóc đỏ mắt. Đáng lẽ ở độ tuổi này, bà phải là tấm gương để con cháu noi theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Cần được cổ vũ, khích lệ

GD&TĐ - Những tối cuối tuần qua (từ ngày 3 - 5/5), khán giả tấp nập tới Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương (Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội).
Truyện tranh là một thể loại văn học mạnh mẽ và hữu ích để phát triển khả năng hiểu cũng như phân tích văn học của học sinh. (Ảnh: ITN).

Trẻ đọc truyện tranh có tốt không?

GD&TĐ - Truyện tranh có một sức hấp dẫn khó cưỡng đối với trẻ em lẫn người lớn. Ngoài việc mang lại tiếng cười sảng khoái, giải tỏa căng thẳng...