Bồi hồi một thuở xếp hàng để được... nghe điện thoại

GD&TĐ - Thật khó có thể tưởng tượng một ngày chúng ta không có trong tay chiếc điện thoại để làm việc hay liên lạc với người thân. Ấy vậy mà ở thập niên 80 - 90, người dân Việt Nam ta đã sống như thế nào khi thời ấy điện thoại còn rất hạn chế?

Bồi hồi một thuở xếp hàng để được... nghe điện thoại

Mọi thông tin liệu có bị cản trở quá nhiều? Chương trình “Quán thanh xuân” tháng 9/2020 với chủ đề “Alo, Quán Thanh xuân xin nghe!” đã cùng khán giả trở về ký ức của những năm tháng ấy, cùng nghe những câu chuyện và kỉ niệm khó quên thời không công nghệ.

Khi điện thoại viên có quyền đỏng đảnh

NSƯT Minh Vượng xuất hiện thật gần gũi trong vai bà chủ sạp báo với dịch vụ gọi điện thoại công cộng. Chủ tiệm có phần hơi... khó chịu khi tiếp khách, tiền phải trao thì mới được quay số điện thoại, sau đó tra dò khách gọi cho ai, làm gì, thậm chí... nghe lén cuộc nói chuyện của khách với người thân như là chuyện bản thân!

Ấy thế mà khi gặp vị khách nào điển trai như MC Anh Tuấn thì chủ tiệm lại vui vẻ niềm nở, “mời” khách gọi điện thoại bao lâu cũng được!

Hồi ức dần được mở ra khi chúng ta tiếp tục được nghe những câu chuyện rất đỗi gần gũi và mộc mạc, rằng nếu ngày xưa khi tổ chức một buổi họp tổ dân phố, con trai của cô tổ trưởng phải chạy tới từng nhà để thông báo giờ giấc, địa điểm. Thông tin thì bằng mồm, còn công cụ truyền đạt thì bằng chân.

Hay có một tụ điểm mà lên đó chắc chắn sẽ gặp những người bạn đồng hương của mình, đó chính là Bờ Hồ! Rồi những bức thư tay gửi cho người yêu ở phương xa phải mất nửa tháng mới tới tay, vậy nên cứ ba ngày họ lại viết thư cho nhau, những bức thư cứ gối đầu, gối đầu…

Vị khách mời đặc biệt của chương trình là Tiến sĩ Mai Liêm Trực - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện đã có những chia sẻ hết sức đáng quý trong thời gian công tác tại Tổng cục Bưu điện thời kỳ đầu.

Khi ấy đất nước còn nghèo, Nhà nước chưa thể đầu tư cho ngành viễn thông. Nỗ lực của ngành viễn thông cho tới năm 1997 là đã hợp tác với nước ngoài làm Trạm thông tin vệ tinh để liên lạc quốc tế.

Tiến sĩ vẫn nhớ như in hình ảnh bà con từ các tỉnh đến xếp hàng tại bưu điện TP Hồ Chí Minh để chờ điện thoại của người thân từ nước ngoài về, kết nối vẫn còn kém nên hai bên đầu dây cứ gọi nhau Alo! Alo!... rồi lại chập chờn. Rồi những tiếng sốt ruột từ đầu dây bên kia: Má ơi, nói đi má ơi, gọi quốc tế đắt lắm đó!... Tiến sĩ rất xúc động và cảm nhận được trách nhiệm của mình, của ngành, mong ước giúp người dân có thể kết nối với nhau dễ dàng hơn bởi một cuộc điện thoại với họ là quý giá vô cùng.

Nhà báo Ngô Bá Lục thời bé ở tỉnh nên càng khó có thể hình dung được điện thoại là thế nào.

Ở tỉnh thì mỗi xã đều chỉ được cấp một chiếc điện thoại, nếu gia đình nào có điện thoại từ xa gọi về thì sẽ có một anh bưu tá đi thông tin lại với bà con, sau đó bà con sẽ lên văn phòng xã để chờ người thân gọi về lần nữa. Đôi khi lên tới nơi mà chờ mãi chưa thấy ai gọi về cho mình, bởi có khi người thân bận việc gì quên mất chưa gọi lại!

Rồi người đi nghe thông tin sẽ về nhà truyền đạt lại cho cả gia đình, cứ thế cứ thế, câu chuyện dần thành có rất nhiều… kịch bản! Nhà báo Ngô Bá Lục cũng gửi tặng chương trình bài hát “Ôi cuộc sống mến thương”, bài hát có thể coi là một bài hit thời bấy giờ.

Thời đó điện thoại là một thứ gì đó sang trọng lắm mà không phải ai cũng có! Phải là các quan chức cấp cao, các sếp mới có tiêu chuẩn lắp điện thoại.

Một chiếc điện thoại trị giá khoảng hai chỉ vàng. Vậy nên ai có điện thoại là có quyền… chảnh! Đấy, thậm chí đến quầy dịch vụ điện thoại công cộng, gặp những cô điện thoại viên đỏng đảnh như vai diễn ban đầu chương trình của NSƯT Minh Vượng, đến Tiến sĩ Mai Liêm Trực cũng… gật đầu tán thành thì quá giống!

Hay những anh thợ lắp đặt điện thoại cũng rất biết cách đòi hỏi chủ nhà bởi họ biết khách rất VIP!

Điện thoại thông minh thì người lại cạn… thông tin

Bồi hồi một thuở xếp hàng để được... nghe điện thoại ảnh 1

Sau khi máy điện thoại nổi lên thì tới lượt máy nhắn tin ra đời, nhà báo Phạm Thục khi ấy đang công tác tại tờ Sài Gòn Giải Phóng được trưởng ban ưu ái cấp cho một chiếc máy nhắn tin. Nhưng dở khóc dở cười với những chuyện như máy chỉ nhận được tin nhắn không dấu khiến chị đau đầu cả ngày trời không dịch nổi ý nghĩa.

Hay thấy số cơ quan nhắn tin nên chị đang đi lấy tin cũng vội phóng xe về cơ quan, ai dè tới nơi hóa ra đồng nghiệp rủ… đi ăn trưa! Có máy nhắn tin cũng oách lắm, khi ấy anh thanh niên nào mà sở hữu chiếc máy là y như rằng sẽ chăm chỉ mặc áo sơ-vin, khoe ra con đỉa quần có cài món phụ kiện đắt giá! Nhà báo Ngô Bá Lục chia sẻ thêm.

NSƯT Minh Vượng và NSND Minh Hòa cũng bồi hồi nhớ lại kỉ niệm ngày xưa với chiếc máy nhắn tin. Thời hai chị em hợp tác làm bầu show đi diễn ở Bộ Tư pháp, có nghệ sĩ quên lịch diễn mà nhắn tin mãi không sao ra được vấn đề vì mất rất nhiều thời gian! NSND Minh Hòa lúc đó làm MC của chương trình mà sốt ruột quá, không biết phải xử lý tình huống thế nào bởi đã sát giờ diễn, đành hất hàm về phía NSƯT Minh Vượng, hàm ý chị ra diễn thay! Vậy là mới có NSƯT Minh Vượng của chúng ta thời bây giờ! Đây là câu chuyện giờ mới được tiết lộ ở Quán Thanh xuân!

Thời điểm con người chưa sử dụng điện thoại nhiều, công nghệ và thông tin ít hơn nhưng những cảm xúc chờ mong, bồi hồi là rất ý nghĩa.

Thủ tục liên lạc tuy nhiêu khê nhưng dường như con người được gắn kết với nhau nhiều hơn, trao đổi thông tin, giao tiếp giữa người với người nhiều hơn thời nay. Đó chính là thứ mà chúng ta nên nhìn lại, bởi thời buổi công nghệ hiện giờ các thông tin đều gọn gàng, nhanh chóng quá, chúng ta gửi và nhận thông tin qua chiếc máy điện thoại, rồi đến khi gặp nhau thì chúng ta… cạn thông tin để trao đổi.

Hãy cân bằng giữa công nghệ và con người để cuộc sống của chúng ta thêm vui vẻ và ý nghĩa. Cảm ơn Quán Thanh xuân với chủ đề xoay quanh về chiếc điện thoại đã giúp chúng ta nhận ra tình người vẫn là quan trọng nhất, công nghệ hiện đại cỡ nào cũng không thể thay thế được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.