Bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý: Điểm mới cần lưu ý

GD&TĐ - Bộ trưởng GD&ĐT vừa mới ban hành Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT về Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên. Những thay đổi cụ thể của quy định này là gì? Địa phương cần lưu ý gì khi thực hiện?... 

Công tác bồi dưỡng, tập huấn giáo viên tại tỉnh Cao Bằng. Ảnh: NT
Công tác bồi dưỡng, tập huấn giáo viên tại tỉnh Cao Bằng. Ảnh: NT

Ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) – trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại về những vấn đề trên.

Nhiều điểm mới

- Ông có thể nói rõ điểm mới trong quy định vừa ban hành về bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý?

- Những điểm mới của Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT ban hành Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên (Thông tư 19) liên quan đến đối tượng bồi dưỡng thường xuyên (BDTX); thời lượng bồi dưỡng; việc cấp chứng chỉ; biên soạn và thẩm định tài liệu bồi dưỡng; bổ sung cơ chế phối hợp giữa sở GD&ĐT, phòng GD&DT với cơ sở thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên…

Về đối tượng BDTX: Bổ sung thêm đối tượng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Thông tư số 26 chỉ áp dụng đối với đối tượng giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên. Thông tư số 19 bao quát cả đối tượng cán bộ quản lý và giáo viên.

Về thời lượng bồi dưỡng: Thời lượng của chương trình BDTX giáo viên, cán bộ quản lý đã được thay đổi phù hợp với quy định của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Quy định trong Thông tư 19 cũng thay việc cấp giấy chứng nhận bằng cấp chứng chỉ hoàn thành kế hoạch BDTX (theo Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Thông tư số 01/2018/TT-BNV hướng dẫn Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức).

Đồng thời, bổ sung cơ chế phối hợp giữa sở GD&ĐT, phòng GD&DT với cơ sở thực hiện nhiệm vụ BDTX trong việc thực hiện BDTX, như khảo sát nhu cầu, xây dựng và thẩm định tài liệu, tổ chức BDTX và đánh giá kết quả BDTX. Mục đích tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT và cơ sở thực hiện nhiệm vụ BDTX nhằm đảm bảo chất lượng của công tác BDTX.

Điểm mới nữa là việc biên soạn tài liệu và thẩm định tài liệu giao cho cơ sở bồi dưỡng thực hiện nhiệm vụ BDTX. Việc lựa chọn cơ sở thực hiện nhiệm vụ BDTX được giao cho sở GD&ĐT – cơ quan quản lý giáo dục địa phương, nhằm đảm bảo lựa chọn cơ sở bồi dưỡng đủ năng lực, để nâng cao chất lượng của công tác BDTX. Về báo cáo viên BDTX: Bổ sung thêm đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cốt cán.

Ông Phạm Tuấn Anh
 Ông Phạm Tuấn Anh

Những lưu ý khi triển khai quy định mới

- Ông có lưu ý gì đối với các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện quy định mới về BDTX với giáo viên, cán bộ quản lý?

- Khi triển khai thực hiện quy chế mới, các sở GD&ĐT cần lưu ý:

Thứ nhất, về việc xây dựng kế hoạch: Căn cứ Quy chế và thực tiễn địa phương xây dựng và ban hành công văn hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch BDTX kịp thời, theo đúng quy định.

Thứ 2, việc biên soạn tài liệu: Cần phối hợp chặt chẽ với cơ sở thực hiện nhiệm vụ BDTX để đảm bảo việc biên soạn tài liệu theo đúng quy định của Quy chế BDTX và Chương trình BDTX giáo viên, cán bộ quản lý.

Thứ 3, việc lựa chọn cơ sở thực hiện nhiệm vụ BDTX: Căn cứ vào năng lực, tiêu chuẩn được quy định tại Điều 10 của Quy chế này để soi chiếu, trong đó có yêu cầu mới bổ sung so với quy định cũ: “Có cơ sở vật chất thiết bị, kỹ thuật, cơ sở thực hành đáp ứng được công tác bồi dưỡng, trong đó đảm bảo có hệ thống thông tin tích hợp để định kỳ thu thập và xử lý dữ liệu về báo cáo viên, giáo viên và cán bộ quản lý; có hệ thống ghi nhận và xử lý phản hồi từ các bên có liên quan về các tiến bộ trong bồi dưỡng nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý; hệ thống phần cứng và phần mềm công nghệ được duy trì thường xuyên và luôn sẵn sàng để báo cáo viên và giáo viên, cán bộ quản lý có thể sử dụng hiệu quả”. Và chỉ ký hợp đồng hoặc giao nhiệm vụ cho những cơ sở thực hiện nhiệm vụ BDTX đáp ứng được yêu cầu để việc BDTX đạt hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu.

Thứ 4, việc cấp chứng chỉ BDTX: Cần truyền thông để giáo viên, cán bộ quản lý hiểu đây là nội dung theo quy định của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và chứng chỉ có giá trị cao hơn giấy chứng nhận.

Thứ 5, về loại hình BDTX: Lựa chọn loại hình tổ chức BDTX giáo viên, cán bộ quản lý phù hợp với thực tiễn của địa phương; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong BDTX.

Thứ 6, về cơ chế phối hợp trong công tác BDTX: Thông tư số 19 đã quy định cơ chế phối hợp. Do vậy, cần thực hiện nghiêm túc cơ chế phối hợp với cơ sở thực hiện nhiệm vụ BDTX trong việc khảo sát, tổ chức, biên soạn và thẩm định tài liệu, đánh giá BDTX.

Thứ 7, về đánh giá công tác BDTX: Cần đảm bảo chất lượng và theo đúng quy định của Quy chế BDTX.

Ngoài ra, địa phương cũng cần thực hiện chế độ báo cáo, chế độ chính sách đối với giáo viên theo quy định của Thông tư 19.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.