Bồi dưỡng hè: Đòn bẩy nâng cao chất lượng

GD&TĐ - Khi năm học cũ khép lại, học sinh được vui chơi trong dịp hè thì đây là thời điểm cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục cả nước lại tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng. 

Giáo viên lớp bồi dưỡng chia theo nhóm thảo luận chuyên đề
Giáo viên lớp bồi dưỡng chia theo nhóm thảo luận chuyên đề

Sôi nổi các lớp bồi dưỡng hè

Nhiều năm qua, việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, dạy học cho đội ngũ cán bộ, giáo viên cả nước thông qua các lớp tập huấn không thể thiếu trong dịp hè. Nó đã trở thành hoạt động giáo dục “đến hẹn lại lên”.

Thầy Nguyễn Văn Tùy, Hiệu phó Trường PTDT bán trú THCS Mường Đun, Tủa Chùa, Điện Biên cho biết: Trong năm học, cán bộ, giáo viên hầu hết tập trung cho nhiệm vụ quản lý và dạy học. Mọi người không có thời gian cũng như điều kiện tiếp cận dễ dàng các phương tiện dạy học hiện đại, hoặc tham gia các lớp học nâng cao trình độ do công tác chuyên môn choán hết thời gian. Nhất là thầy cô cắm bản, tham gia dạy học tại các xã vùng sâu, vùng xa, hoàn cảnh đi lại khó khăn như nhiều xã huyện của Điện Biên lại càng khó khăn gấp bội.

Trong kế hoạch năm học mới, bao giờ các tỉnh cũng có kế hoạch bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên nhưng chủ yếu diễn ra trong dịp hè. Do vậy, ngay từ đầu kỳ nghỉ hè, Sở GD&ĐT các tỉnh trong cả nước đã bung các hoạt động bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên tất cả các bậc học.

Thực hiện kế hoạch bồi dưỡng giáo viên hè, từ ngày 2 – 4/6 Trường CĐSP Kiên Giang đã tổ chức bồi dưỡng 3 chuyên đề cho 364 cán bộ, giáo viên Tiểu học và Mầm non như: “Một số phương pháp dạy học tiểu học” và “Phát triển năng lực dạy học đọc hiểu cho giáo viên tiểu học”, “Nâng cao kỹ năng thực hành múa và biên dạy múa cho giáo viên mầm non”.

Đặc biệt, việc thực hiện chiến lược đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam trong thời gian tới, việc bồi dưỡng giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học đang được quan tâm đặc biệt. Mục tiêu cấp bách mà ngành GD-ĐT đặt ra là đội ngũ giáo viên phải đủ về số lượng, đáp ứng về chất lượng, đảm bảo cho việc thay đổi nội dung, chương trình, nhất là thay sách giáo khoa sắp tới.

Ông Đỗ Thanh Tùng, Phó Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Lào Cai cho biết: Với 20 chuyên đề, địa phương đã bồi dưỡng cho gần 7.000 cán bộ giáo viên. Trong đó, năm học này Lào Cai triển khai Mô hình Trường học mới nên đã tổ chức tập huấn cho gần 300 cán bộ, giáo viên cốt cán của trường, của huyện. Học viên được học Hoạt động giáo dục theo Mô hình Trường học mới; Tổ chức và quản lý lớp học theo Mô hình Trường học mới. Tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá theo Mô hình Trường học mới.

Dồn sức cho đổi mới giáo dục

Ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên chia sẻ: Đảm bảo đổi mới về phương pháp dạy học các cấp học. Thời gian qua, nhất là trong dịp hè Sở đã chú trọng công tác bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn tỉnh, gồm có bồi dưỡng chính trị, bồi dưỡng chuyên môn cấp học và bồi dưỡng gắn với chuyên đề địa phương, bộ phận cấu thành với thay sách.

Nhiều nội dung bồi dưỡng được triển khai đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và nâng cao chất lượng đội ngũ.

Giáo viên của Lào Cai tham gia bồi dưỡng hè năm 2018
 Giáo viên của Lào Cai tham gia bồi dưỡng hè năm 2018

Có thể thấy, các chủ đề bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên dịp hè cũng rất thiết thực, phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu người học, người dạy trong bối cảnh đứng trước yêu cầu đổi mới như: Bồi dưỡng việc đổi mới phương pháp, nâng cao hiệu quả giờ học qua tích cực sử dụng thiết bị dạy học, đổi mới ứng dụng CNTT vào quá trình dạy học, đổi mới phương pháp...

Tuy nhiên, do đặc thù đi lại khó khăn, các tỉnh miền núi mong muốn, nếu Bộ GD&ĐT tổ chức lớp bồi dưỡng thì nên tổ chức trong dịp giáo viên nghỉ hè chứ khi năm học bắt đầu sẽ gây khó cho cơ sở. Bởi giáo viên hiện chỉ đáp ứng nhu cầu dạy học cho học sinh các trường, nếu rút đi bồi dưỡng, học sinh phải nghỉ học.

Thêm vào đó, nếu chúng ta chỉ bồi dưỡng giáo viên theo kiểu truyền thống nghe - nhìn thôi sẽ là chưa đủ mà phải bồi dưỡng, giúp giáo viên làm chủ CNTT, biết ứng dụng CNTT trong tiết dạy của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ