Bồi dưỡng giáo viên: Khâu quan trọng thực hiện mục tiêu Đề án NN 2020

GD&TĐ - TS. Đỗ Tuấn Minh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) đã có những chia sẻ bổ ích về kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình xây dựng đơn vị điển hình dạy – học ngoại ngữ theo mục tiêu triển khai nhiệm vụ Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020.

Bồi dưỡng giáo viên: Khâu quan trọng thực hiện mục tiêu Đề án NN 2020
Bồi dưỡng giáo viên: Khâu quan trọng thực hiện mục tiêu Đề án NN 2020 ảnh 1 TS Đỗ Tuấn Minh

Bồi dưỡng để chuẩn hóa nhân lực

Giải đáp băn khoăn của các giáo viên về việc sử dụng tiếng Anh trong việc giảng dạy có thay đổi không, có giúp giáo viên tiếng Anh thường xuyên nâng cao trình độ không hay vẫn chỉ là hình thức sau các khóa bồi dưỡng, TS Đỗ Tuấn Minh khẳng định:

Cần phải có quá trình để thay đổi một hiện trạng. Các khóa bồi dưỡng giáo viên cần phải được nhìn nhận như điểm khởi đầu trong một hành trình dài để nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc dạy học ngoại ngữ.

Trong hành trình này, có nhiều đối tượng tham gia. Bên cạnh thầy cô giáo còn phải nhắc đến vai trò của các cán bộ quản lý, học sinh, phụ huynh, nói chung là của toàn xã hội.

Người Anh nói "A good beginning makes a good ending", do vậy các khóa bồi dưỡng giáo viên chính là cái "good beginning" đó.

TS Đỗ Tuấn Minh cho rằng: Thời gian các khóa bồi dưỡng, tập huấn dài hay ngắn phụ thuộc vào mục tiêu và nội dung của các khóa bồi dưỡng, tập huấn này.

Trong thực tế, có những khóa bồi dưỡng nhằm nâng chuẩn năng lực ngoại ngữ cho giáo viên kéo dài từ 300 - 400 giờ, trong khi đó những khóa bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy thường chỉ có khoảng 50 giờ.

Các khóa bồi dưỡng theo kế hoạch của Đề án Ngoai ngữ Quốc gia 2020 là tạo tiền đề, cơ sở cho giáo viên xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực của bản thân.

Trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước có hạn, việc tổ chức các khóa bồi dưỡng giáo viên không thể quá nhiều và kéo dài được. Bản thân các thầy cô phải cố gắng bố trí,thu xếp thời gian để tự bồi dưỡng, hoàn thiện bản thân mình.

Theo TS Đỗ Tuấn Minh, khi tham gia các khóa bồi dưỡng giáo viên, người học sẽ nhận thấy chương trình được thiết kế nhằm khắc phục những nhược điểm của giáo viên ngoại ngữ sau một thời gian dài giảng dạy tại các trường phổ thông mà điều kiện giao tiếp về ngoại ngữ đặc biệt là kỹ năng nghe, nói bị hạn chế.

Thông thường, chương trình bồi dưỡng giáo viên bao giờ cũng là sự kết hợp giữa các kiến thức mang tính hệ thống, lý luận và việc áp dụng những kiến thức đó giải quyết những yêu cầu của thực tế giảng dạy.

Học viên các khóa bồi dưỡng lúc đầu, đôi khi tỏ ra "sốt ruột" khi học những vấn đề mang tính lý luận về phương pháp giảng dạy. Tuy nhiên, thực tế giảng dạy lại chính là biểu hiện cụ thể, sinh động của những lý luận, phương pháp ấy.

Do vậy, việc nắm vững các vấn đề mang tính nguyên lý, căn bản của lý luận dạy học ngoại ngữ và áp dụng một các linh hoạt, chủ động của giáo viên trong điều kiện giảng dạy thực tế của mình sẽ quyết định thành công đối với việc dạy và học ngoại ngữ.

Tuy nhiên, nhận xét của bạn cũng sẽ khiến những người xây dựng các chương trình bồi dưỡng quan tâm, điều chỉnh mức độ phù hợp giữa lý thuyết và thực hành trong chương trình.

Đề án NNQG 2020 hoàn toàn khả thi

TS Đỗ Tuấn Minh đồng ý với ý kiến cần tăng cường tính xã hội hóa trong việc nâng chuẩn ngoại ngữ và phương pháp giảng dạy.

Đánh giá kết quả dạy học của các giảng viên dạy ngoại ngữ ở các trường đại học tại các khóa bồi dưỡng giáo viên cần quan tâm đến nhiều yếu tố chứ không thể đánh giá một cách phiến diện, cảm tính.

Các cơ sở giáo dục đào tạo được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên đều phải nỗ lực trong việc xây dựng chương trình, lựa chọn giáo trình, tài liệu tham khảo, bố trí đội ngũ giảng viên tâm huyết, giàu kinh nghiệm để tham gia giảng dạy các khóa bồi dưỡng giáo viên.

Tỷ lệ học viên tham gia các khóa bồi dưỡng này đạt yêu cầu (nâng lên một bậc về trình độ tiếng thường đạt khoảng 60 - 70%).

Các giáo viên trước hết cần phải đạt những yêu cầu về chuẩn ngoại ngữ, sau đó họ tham gia các khóa bồi dưỡng phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá thì mới có hiệu quả.

Tăng cường tính xã hội hóa trong việc nâng chuẩn ngoại ngữ và phương pháp giảng dạy là việc rất cần thiết. Chúng tôi ủng hộ sự tham gia của các tổ chức xã hội, các tổ chức giáo dục ngoài công lập. Nếu có được điều đó, chúng ta sẽ huy động được nguồn lực của toàn xã hội vì một mục tiêu chung.

Các Sở GD&ĐT tại các tỉnh, thành phố hàng năm đều có kế hoạch để đội ngũ giáo viên ngoại ngữ được tham gia các khóa bồi dưỡng giáo viên.

Để tham gia các lớp bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ, các giáo viên hãy tìm hiểu các kế hoạch và chủ động đăng ký tham gia ở trường hoặc Sở GD&ĐT. Bên cạnh đó, mỗi giáo viên cũng nên xây dựng cho mình kế hoạch tự bồi dưỡng.

TS Đỗ Tuấn Minh cho biết: Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN) là một trong những đơn vị tham gia vào Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 sớm nhất. 

Trường là một trong số 10 cơ sở giáo dục đào tạo trong cả nước được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ tổ chức ra soát, đánh giá năng lực giáo viên ngoại ngữ cũng như tổ chức các khóa bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên các bậc học.

Trong thời gian vừa qua, Trường đã xây dựng các chương trình bồi dưỡng, nâng cao năng lực tiếng và phương pháp giảng dạy cho giáo viên tiếng Anh các bậc học từ tiểu học, THCS, THPT và cao đẳng, đại học.

Trước khi tổ chức các khóa bồi dưỡng giáo viên, nhà trường tiến hành đánh giá năng lực giáo viên để xác định trình độ hiện tại, từ đó sắp xếp các giáo viên vào các khóa học phù hợp.

Hiện tại, các khóa bồi dưỡng giáo viên chia thành 2 nhóm: Nâng cao năng lực tiếng nhằm giúp giáo viên đạt yêu cầu theo các bậc học mà giáo viên đang giảng dạy (trình độ bậc 4 đối với giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học, THCS và bậc 5 đối với giáo viên THPT); Các khóa bồi dường phương pháp giảng dạy: Sau khi giáo viên đã đạt yêu cầu về năng lực tiếng, sẽ tham gia khóa học về phương pháp giảng dạy.

Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) tổ chức, đánh giá đầu ra các khóa bồi dưỡng về năng lực tiếng theo định dạng đề thi dùng chung trong 10 cơ sở giáo dục được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ và kết quả được quy chuẩn theo thang 6 bậc năng lực của khung năng lực ngoại ngữ dành cho người Việt Nam.

Trả lời cho những “hoài nghi” về tính khả thi của Đề án, TS Đỗ Tuấn Minh cho rằng, trước bất cứ sự thay đổi nào bao giờ cũng có những ý kiến hoài nghi. Điều này là bình thường.

Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, với sự tham gia, vào cuộc một cách đồng bộ của cả hệ thống, nhiều kết quả tích cực đã được ghi nhận. Đó chính là câu trả lời trả lời thuyết phục cho những hoài nghi ban đầu.

Với tư cách một chuyên gia và cũng là "người trong cuộc", TS Đỗ Tuấn Minh nhận định: Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 đã làm được nhiều việc trong một khoảng thời gian chưa dài với những điều kiện nguồn lực còn hạn chế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.