Hình dung những việc phải làm
Được tham gia khóa tập huấn, bồi dưỡng về quản trị hoạt động dạy học, GD trong nhà trường, cô Bùi Thị Kim Chi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (TP Lào Cai) bộc bạch: “Với tôi, khóa tập huấn này có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản trị trường học.
Tôi như được tiếp thêm năng lượng để quyết tâm đổi mới chính mình, đổi mới công tác quản lý trường học. Bởi thực tế, chúng tôi đang gặp những khó khăn nhất định trong công tác này như: Xây dựng kế hoạch GD nhà trường, quản trị hoạt động GD theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh...”.
Theo cô Chi, khóa tập huấn, bồi dưỡng lần này có nhiều điểm đổi mới so với những khóa tập huấn trước đây. Nội dung, hình thức, phương pháp tập huấn theo công thức 5 – 3 - 7 giúp người học được tự bồi dưỡng nhiều hơn.
“Trước khi về tập huấn trực tiếp, chúng tôi đã được tiếp cận tài liệu thông qua lớp học trực tuyến. Vì thế, trong ba ngày tập huấn trực tiếp với các giảng viên, chúng tôi đã có sự chuẩn bị về nội dung, thực tiễn trong nhà trường để trao đổi với các chuyên gia và đồng nghiệp.
Điều tôi tâm đắc đó là, giảng viên của khóa tập huấn là những người rất am hiểu về đổi mới chương trình sách giáo khoa GD phổ thông, có năng lực về đổi mới phương pháp giảng dạy nên không chỉ cung cấp cho chúng tôi về lý luận khoa học mà còn là những vấn đề thực tiễn đặt ra. Đây là những kiến thức rất cần thiết cho chúng tôi trong quá trình quản trị hoạt động dạy học và GD tại đơn vị mình” - cô Chi trao đổi.
Được biết, sau khóa tập huấn, cô Chi đã có kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học 2020 - 2021. Cô cho biết, sẽ tiến hành ngay việc thảo luận với lãnh đạo trường, giáo viên cốt cán các tổ khối để xây dựng kế hoạch GD nhà trường theo định hướng tự chủ, sắp xếp nội dung môn học, thời khóa biểu phù hợp với thực tiễn.
Khẳng định khóa tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý GD phổ thông cốt cán năm 2019 thiết thực và có ý nghĩa quan trọng cho lãnh đạo các trường phổ thông trước khi thực hiện Chương trình, sách giáo khoa GD phổ thông mới, thầy Nguyễn Minh Đức - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phù Lưu (Hàm Yên, Tuyên Quang) cho hay: “Trước đây chỉ nghe lý thuyết hoặc tìm hiểu qua tài liệu, phương tiện truyền thông đại chúng về dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; nhưng qua đợt tập huấn này, chúng tôi đã hiểu tường tận hơn, từ cách thiết kế bài dạy, cho đến quá trình giảng dạy và kiểm tra đánh giá như thế nào để phát huy được phẩm chất năng lực của người học”.
Bồi dưỡng giáo viên. Ảnh minh họa/ INT |
Nâng cao năng lực quản trị
Cũng theo thầy Đức, so với những lần tập huấn trước, khóa tập huấn lần này có sự kết hợp giữa trực tuyến và tập huấn trực tiếp tại lớp học. Sự kết hợp này mang lại những hiệu ứng và hiệu quả tốt. Sau đợt tập huấn này, thầy Đức cùng với Ban Giám hiệu triển khai đến đội ngũ giáo viên những gì đã lĩnh hội được. Thậm chí, có thể tổ chức áp dụng luôn một vài đổi mới trong dạy và học.
“Chúng tôi sẽ cùng với đội ngũ giáo viên thiết kế bài dạy theo hướng phát huy được năng lực của học sinh. Chẳng hạn: Ngoài việc trang bị kỹ năng tính toán, chúng tôi sẽ hướng các em vận dụng kiến thức bài học để áp dụng vào thực tiễn, để có thể làm ra các sản phẩm dựa trên kiến thức đã được học” - thầy Đức chia sẻ, đồng thời cho hay: “Trước mắt, chúng tôi sẽ thực hiện đổi mới thí điểm ở một vài lớp; sau đó rút kinh nghiệm và từng bước nhân rộng trong toàn trường. Quan trọng là giúp giáo viên có được tâm thế tốt nhất và sự chuẩn bị chu đáo nhất trước khi Chương trình, sách giáo khoa GD phổ thông mới chính thức được triển khai”.
Qua tìm hiểu được biết, kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở GD phổ thông cốt cán năm 2019 được Bộ GD&ĐT giao cho Học viện Quản lý GD. Theo đó, Học viện đã triển khai tới 4.000 CBQL cốt cán ở 63 tỉnh/thành phố, cho 3 cấp tiểu học, THCS và THPT trên toàn quốc.
Mục tiêu nhằm nâng cao năng lực quản trị hoạt động dạy học, GD trường phổ thông cho đội ngũ cán bộ quản lý; từ đó có thể hỗ trợ đồng nghiệp phát triển năng lực quản trị trường học khi thực hiện Chương trình GD phổ thông 2018.
Nội dung bồi dưỡng tập trung hướng dẫn thực hiện quản trị hoạt động dạy học, GD phát triển phẩm chất, năng lực học sinh theo Chương trình GD phổ thông 2018.
Cụ thể: Hướng dẫn thực hiện Chương trình GD phổ thông mới và các yêu cầu, nhiệm vụ của hiệu trưởng trong quản trị hoạt động dạy học, GD ở trường; Quản trị hoạt động dạy học, GD nhà trường như: Lập kế hoạch GD nhà trường, tổ chức thực hiện kế hoạch; giám sát, đánh giá, điều chỉnh kế hoạch GD trong nhà trường.
Đồng thời hướng dẫn lãnh đạo các trường phổ thông chỉ đạo tổ, nhóm chuyên môn thực hiện hoạt động dạy học và GD trong nhà trường; trong đó chú trọng xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch GD môn học/hoạt động GD; đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, GD như: đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả GD học sinh.