I. Bối cảnh thế giới:
(GD&TĐ) - Đánh giá tổng quan tình hình du lịch thế giới năm 2011, cơ quan du lịch của Tổ chức Liên hợp quốc (UNWTO) có trụ sở ở Tây Ban Nha cho biết du lịch thế giới năm 2011 chưa thể khởi sắc và vì thế năm 2012 vẫn còn ảm đạm. Một số nguyên nhân chủ yếu của tình hình đó là kinh tế thế giới suy thoái, thất nghiệp tăng lên (tỉ lệ thất nghiệp của 16 nước EU lên tới 9%; tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ lên tới 10%...), tiền lương giảm sút, vật giá leo thang, tỉ giá thay đổi, thiên tai, dịch bệnh, hoạt động khủng bố, nợ công ở nhiều nước gia tăng ... đã làm cho cho du lịch ở hầu hết các nước trở nên trầm lắng. Trong năm 2009, dịch cúm A (H1N1) đã lan tràn tới 75 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến khách du lịch không dám đến nhiều nước. Dịch bệnh này làm ngành du lịch giảm 25% - 35% và tổn thất tới 2.200 tỉ USD, cao hơn rất nhiều so với nạn dịch SARS trước đây. Hội vận tải hàng không quốc tế cho biết thua lỗ năm 2009 của ngành tới 9 tỉ USD, lượng du khách giảm 8%. Trong 3 năm từ 2009 đến 2011, những thành phố xưa nay vốn rất hấp dẫn du khách như NewYork, Chicago (Mĩ), Barcelona (Tây Ban Nha), London (Anh), Sydney (Úc), Berlin (Đức), Hong Kong (Trung quốc), Copenhagen (Đan Mạch), Pari (Pháp) ... cũng rất vắng du khách. Đặc biệt là Hong Kong nơi được gọi là “hòn ngọc Á Đông” đã vắng rất nhiều du khách tới thăm, lượng du khách đã sụt giảm nghiêm trọng, tỉ lệ thuê phòng giảm tới 79%, thu nhập giảm tới 21,6%. Ngày 18 tháng 01 năm 2010, Tổ chức du lịch thế giới thuộc Liên hợp quốc cho biết ngành “công nghiệp không khói” thế giới sẽ dần được phục hồi trong năm 2010 sau cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu và dịch cúm A (H1N1).Trong thời gian qua, ngành du lịch các nước đã tích cực đẩy mạnh chiến dịch giới thiệu và đưa ra nhiều gói du lịch rất hấp dẫn và cạnh tranh. Nhưng nhìn chung, tình hình du lịch thế giới hiện nay vẫn rất nan giải đang hồi phục dần nhưng chưa thể trở lại sống động như nhiều năm trước đây. Theo như công bố mới đây của Tổ chức du lịch thế giới, ngành du lịch thế giới đã có sự phục hồi khá hơn trong năm 2010 và 2011, nhưng lại chỉ xẩy ra ở hầu hết các nước có nền kinh tế mới nổi, tốc độ phục hồi ở các nước phát triển chậm hơn.
Đối với Châu Á là khu vực phục hồi đầu tiên và cũng là khu vực tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2010. Số lượng du khách quốc tế đến Châu Á đạt một kỉ lục mới với 204 triệu lượt khách trong năm 2011, tăng hơn 181 triệu của năm 2009 và 2010.
Đối với Châu Phi, khu vực này duy nhất đạt được những con số khả quan vào năm 2009, tiếp tục duy trì sự tăng trưởng trong năm 2010 và năm 2011 nhờ vào động lực phát triển của nền kinh tế và là chủ nhà của các sự kiện lớn như cúp bóng đá thế giới tại Nam Phi.
Đối với các nước Trung Đông, gần như tất cả các điểm đến du khách đều tăng 10% trở lên.
Đối với Châu Âu thì có tốc độ phục hồi chậm hơn so với các khu vực khác do sự phun trào của núi lửa Eyjafjallajokull khiến giao thông đường hàng không bị ngưng trệ trong một thời gian và sự không ổn định của nền kinh tế gây ảnh hưởng đến khu vực dùng đồng tiền chung Châu Âu. Tuy nhiên, ngành kinh tế tại đây cũng tìm được đà phục hồi trong nửa cuối năm 2011 và một vài nước đạt được kết quả cao hơn kết quả trung bình của cả khu vực, nhưng cũng không đủ để đưa kết quả chung lên hơn những gì đã mất trong năm 2009.
Đối với khu vực Châu Mĩ thì đã vực dậy được sau những ảnh hưởng do nền kinh tế Bắc Mĩ gặp khó khăn và dịch bệnh cúm A (H1N1) trong năm 2009. Sự phục hồi của nền kinh tế Mĩ cũng như sự hội nhập khu vực ngày càng tăng ở Trung và Nam Mỹ và sức sống của nền kinh tế Mĩ Latinh đã giúp cả khu vực phục hồi, trong đó tăng trưởng mạnh nhất là ở Nam Mỹ.
Đối với tiểu vùng Sahara Châu Phi và vùng Đông Nam Á thì ít bị tác động bởi khủng hoảng tài chính – kinh tế toàn cầu nên luôn vững đà tăng trưởng trong suốt năm 2009 và 2010. Trong số các tiểu vùng chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng, Đông Bắc và Nam á, Bắc và Nam Mỹ cũng như Tây Âu đều có sự tăng lên về số lượng khách đến trong năm 2010, đủ để bù đắp cho những thiệt hại và đạt mức đỉnh điểm trước khi xẩy ra khủng hoảng.
Đối với Bắc Âu thì khu vực này trong năm 2010 và 2011 vẫn chưa phục hồi lại được.
Có thể nói năm 2011 tình hình du lịch thế giới mặc dù đang trầm lắng nhưng cũng đã có bước lạc quan hơn. Ngành du lịch thế giới bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc và là ngành có tốc độ phục hồi nhanh nhất so với các ngành kinh tế khác. Bởi vì tham quan, thưởng thức phong cảnh, nghỉ ngơi thư giãn, tĩnh dưỡng ... hiện là nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống con người, cho dù thu nhập cá nhân có bị giảm sút. Ngày 17 tháng 09 năm 2011, khi tham dự Hội chợ du lịch Thiên Tân ở Trung Quốc, Tổng thư ký du lịch Liên hợp quốc là Ngài Taleb Farid đã nói: “Mười năm đầu của Thế kỷ 21 là 10 năm phát triển của ngành du lịch, 10 năm tới ngành du lịch sẽ trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế thế giới tăng trưởng và chỉ đứng sau các ngành dầu khí, sản phẩm hoá chất, công nghiệp ôtô. Trong tình hình kinh tế phục hồi còn nhiều yếu tố chưa xác định, nhiều nước đã lấy ngành du lịch làm khâu đột phá để tăng trưởng kinh tế”. Trong bối cảnh du lịch thế giới như vậy thì điểm rất đáng lưu ý là các nước đang trỗi dậy và đang phát triển vừa là điểm đến mới, vừa là nguồn cung to lớn của ngành du lịch thế giới. Tiếp đó khoa học kỹ thuật phát triển mạnh mẽ cũng tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới thu hút du khách. Ngoài ra, các sự kiện thể thao lớn của khu vực và thế giới cũng như các hoạt động văn hoá đều là điểm đến hấp dẫn du khách thế giới. Những hoạt động này đang ngày càng phát triển. Vì vậy, ngành du lịch 10 năm tới có tương lai phát triển rất sáng sủa. Ngài Taleb Farid còn cho biết thêm điều đáng mừng nữa trong ngành du lịch là không có “rào cản” như hoạt động thương mại. Trái lại, nhiều nước đang đẩy mạnh hợp tác du lịch, tạo ra những “tour du lịch trọn gói xuyên quốc gia”, mở ra cơ hội cho ngành du lịch toàn cầu phát triển mạnh mẽ. Hiện nay các nước có rất nhiều sáng kiến để giới thiệu, tuyên truyền và cho ra đời nhiều sản phẩm du lịch thích hợp với tất cả các loại du khách, bất kể họ giầu hay nghèo.
II. Xu thế phát triển:
Mặc dù thế giới mà nhân loại đang sống đang có rất nhiều những biến đổi bất ổn như: Suy thoái về môi trường sinh thái, hiện tượng hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ trái đất thay đổi bất lợi cho con người, nguồn nước sạch bị ô nhiễm, tệ nạn phá rừng, sự mất cân bằng về tài nguyên và dân số, tình trạng chạy đua vũ trang, khai thác tài nguyên bừa bãi ...nhưng xu thế phát triển của du lịch thế giới vẫn có những tiềm năng sáng sủa và nhiều hy vọng.
Ngày Du lịch thế giới được cử hành vào ngày 27 tháng 09 hàng năm là ngày do Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc đặt ra nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của du lịch trong cộng đồng quốc tế. Ngày Du lịch thế giới năm nay sẽ được tổ chức tại thị trấn du lịch Maspalomas, Gran Canaria, Tây Ban Nha vào ngày 27 tháng 09 năm 2012. Những hoạt động trong sự kiện này sẽ tập trung vào định hướng phát triển bền vững cho ngành Du lịch, sự phối hợp giữa ngành Du lịch và những chuyên gia năng lượng đến gần nhau hơn để thúc đẩy sự đóng góp của ngành Du lịch vào công tác bảo vệ môi trường trên toàn thế giới. Ngày Du lịch thế giới năm 2012 có kỳ vọng sẽ thúc đẩy tư duy chiến lược của các nhà quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch và dùng năng lượng bền vững trong lĩnh vực du lịch. Nhiều quan chức cao cấp của Tây Ban nha, Liên minh Châu Âu và Tổ chức Du lịch thế giới sẽ tham dự sự kiện quan trọng này.
Ngài Taleb là Tổng thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới cho rằng, du lịch sẽ là động lực và là ngành đi đầu trong phát triển và sáng tạo năng lượng mới bền vững. Các khoản đầu tư đang được đổ vào để tái tạo nguồn năng lượng hàng không hoặc các giải pháp năng lượng công nghệ đã được dùng trong các khách sạn trên toàn thế giới, khẳng định năng lượng bền vững là lĩnh vực ưu tiên đối với ngành này. Thông điệp của Ngày Du lịch thế giới năm nay là, năng lượng mới không chỉ là những sáng kiến, những cam kết giúp bảo vệ môi trường mà còn là một cơ hội kinh tế, giúp tạo ra công việc cho hàng triệu người trong ngành Du lịch, năng lượng và các ngành khác.
Tạp chí Forbes của Mỹ qua một nghiên cứu mới đây cho rằng hiện nay trong lĩnh vực du lịch thế giới có 10 xu hướng phát triển chủ yếu dưới đây:
1. Quan tâm tới môi trường xung quanh. Theo các nghiên cứu, 43 triệu khách du lịch Mỹ quan tâm tới trạng thái môi trường xung quanh. Khách du lịch được mời tham quan những động vật sinh sống trong thiên nhiên hoang dã, nghỉ ngơi trong những căn nhà gỗ, làm sao để ít gây tác hại đối với thiên nhiên. Các hãng cho thuê xe đã sắm những chiếc xe ôtô chạy bằng nhiên liệu sinh học. Ngoài ra, hiện nay ở Châu Âu người ta cấm dùng loại xe dùng hệ thống thải khí đời cũ.
2. Khách sạn - biệt thự. Đối với khách du lịch ngày càng phổ biến hình thức nghỉ ngơi trong những biệt thự riêng, hoặc các khách sạn nhiều sao cỡ lớn.
3. Du lịch bằng máy bay tư nhân. Đối với những du khách khá giả, các chuyến bay thương mại đang trở thành ngày quá khứ, bởi họ quan tâm tới tiện nghi riêng hơn là giá cả chuyến bay.
4. Lịch gia đình. Các chuyên gia về du lịch cho rằng việc đi nghỉ chung của các lứa tuổi khác nhau trong một gia đình đang ngày càng trở nên phổ biến.
5. Thuê thuyền buồm. Những du khách giầu có thích thuê những chiếc thuyền buồm sang trọng. Hơn nữa, bất kỳ lúc nào du khách cũng có thể thay đổi lộ trình theo ý muốn của họ và điều này khiến tất cả mọi người thích thú.
6. Du lịch không mang theo con cái. Đã có những thông tin đến tận các khách sạn ở Châu Âu và Châu Mỹ rằng khách du lịch hoàn toàn không phải bao giờ cũng thích thú sự có mặt của những người lạ bên cạnh (kể cả con cái của họ) và họ cũng thuê những khách sạn và nhà hàng “chỉ dành cho người lớn”.
7. Du lịch cùng đoàn tuỳ tùng. Những chuyến du lịch mang theo bảo mẫu, gia sư, thầy dậy Yoga, nhân viên xoa bóp và đầu bếp không còn là chuyện riêng của các nhân vật nổi tiếng. Ngày càng hiếm các gia đình đi nghỉ mà thiếu cô bảo mẫu. lại có những người luôn luôn thích sự có mặt bên cạnh của thư ký riêng.
8. Hoãn nghỉ phép. Hàng năm cứ 4 khách du lịch lớn tuổi thì có một người xin nghỉ phép ít hơn 2 ngày so với năm trước. Vì sao vậy ? Các chuyên gia cho rằng vấn đề ở chỗ càng ngày con người càng khó dứt ra khỏi công việc.
9. Thuê chuyên gia tư vấn. Mặc dù nhiều khách du lịch cố gắng giảm bớt ngân sách du lịch bằng cách tự đặt vé và khách sạn qua Internet, những du khách có thu nhập trên trung bình lại thích tham khảo ý kiến của các chuyên gia về du lịch.
10. Du lịch lều trại. Hiện nay bạn có thể làm một chuyến điền dã mà không sợ phải chia tay với những thành tựu hiện đại trong lĩnh vực tiện nghi và vệ sinh. Thậm chí, trong mạng lưới lều trại KOA Kampgrounds của Canada, du khách được dùng cả rạp chiếu bóng và nhà hàng.
Ngày Du lịch thế giới được tổ chức vào 27 tháng 09 hàng năm. Mục tiêu của ngày Du lịch thế giới là nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của du lịch và các giá trị xã hội, văn hoá, chính trị và kinh tế. Sự kiện này nhằm tìm kiếm các giải pháp đối phó với những thách thức toàn cầu có thể ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Tổ chức Liên hợp quốc, làm nổi bật những đóng góp của ngành Du lịch với việc thực hiện những mục tiêu này./.
Tiến sỹ: Trần Văn Hùng