Bóc mẽ bí mật trong “đông trùng hạ thảo”, sừng tê giác, cao hổ giả

Để chữa bệnh, tăng cường sức khỏe và thỏa mãn nhu cầu tình dục, không ít đại gia đã mù quáng bỏ ra số tiền mà người bình thường làm cả đời cũng không có, để mua "tiên dược" như sừng tê, cao hổ.

Bóc mẽ bí mật trong “đông trùng hạ thảo”, sừng tê giác, cao hổ giả

Sừng tê giác, cao hổ cốt, đông trùng hạ thảo là những mặt hàng được coi là “tiên dược” thậm chí có giá hàng tỉ đồng. Lợi dụng tâm lý sẵn sàng bỏ ra tất cả để mua lại sức khỏe, không ít người đã ăn quả đắng. Đã qua thời chỉ có đại gia mới chi tiền, giờ đây cứ có tiền chứ chưa cần thành đại gia, là cuộc chơi đã bắt đầu...

Biến những gã khờ thành... “nhà vô địch”?

Từ lâu, đông trùng hạ thảo được coi là thứ sản phẩm “vàng mười” trên thị trường. Đây cũng là loại thuốc vô cùng quý hiếm và kén đất sinh trưởng. Và nghe đồn, loại đông trùng hạ thảo này là món đồ dùng để tăng cường sinh lực, không chỉ biến những “gã khờ” thành “nhà vô địch giường chiếu” mà còn giúp cải thiện làn da, sức khỏe phụ nữ. 

Tuy nhiên, đang tồn tại trên thị trường tiêu dùng Việt Nam, đó là số lượng đông trùng hạ thảo được bày bán tràn lan, nhiều không kể xiết. Trong khi đó, ngay tại thị trường Trung Quốc mặt hàng này cũng khá dồi dào và tỏa đi các nước. 

Giá loại thuốc quý hiếm này tại thị trường Việt Nam lên đến 2 tỉ đồng/kg. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì mà hiện nay loại đông trùng hạ thảo vẫn được bày bán tràn ngập tại các chợ thuốc nam, thậm chí có cả giá bán lẻ và bán buôn.

 Bóc mẽ bí mật trong “đông trùng hạ thảo”, sừng tê giác, cao hổ giả - Ảnh 1

Những loại mặt hàng siêu đắt này được làm giả tinh vi vì niềm tin mù quáng vào tác dụng của chúng.

Lần theo các thông tin thu thập được, theo một số tay buôn hàng cho biết, ở Việt Nam rất khó có đông trùng hạ thảo mà chủ yếu đó là... sâu chít. Những tay lái buôn này cho biết, sâu chít là loại sâu được lấy từ thân cây chít được trồng chủ yếu ở vùng Tây Bắc. Người dân sẽ lựa chọn những cây chít có dấu hiệu sâu bệnh không thể thu mua sẽ lấy về chẻ đôi để tìm sâu. 

Loại sâu chít này có giá 400.000 đồng/lạng, khi phơi khô có hình dạng rất giống đông trùng hạ thảo và sẽ được gian thương biến hóa, được đóng hộp và tuồn ra thị trường với giá từ trăm triệu đến cả tỉ đồng/kg. 

Thực tế, bấy lâu nay những món hàng “kỳ dị” luôn được săn lùng. Sừng tê giác và cao hổ cốt được nấu từ xương bánh chè của hổ cũng được dân chơi tôn sùng là loại thần dược giúp đàn ông “vô địch trên giường” và có giá cả trăm triệu đồng một lạng.

Chị Nguyễn Hà C., một biên dịch viên của một công ty dịch thuật trên địa bàn Hà Nội rất muốn tìm mua bột làm từ sừng tê giác về cho chồng mình uống. Chị tâm sự với tôi rằng, có người nói sừng tê giác giúp trường thọ, nên bằng mọi giá, chị phải mua. 

Cũng như sừng tê giác, mặt hàng cao hổ, hay bột xương bánh chè hổ cũng được săn lùng, dù phải bỏ ra vài trăm triệu đồng. Vẫn với niềm tin, cao hổ, bột xương bánh chè có thể chữa được bách bệnh kể cả nan y, những “đại gia” không tiếc tiền để mua về dùng và cũng coi như là một hình thức khẳng định đẳng cấp.

Để mua được hai chiếc xương bánh chè hổ, ông Nguyễn Văn Hoàn (57 tuổi, Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội) đã bỏ ra gần 100 triệu đồng nhờ người quen mua hộ rồi mài cũng như mài sừng tê giác để uống. Ông cho rằng, đắt như thế, chắc chắn là phải chữa được bệnh. 

Nhiều người còn nói, bột xương bánh chè này có thể chữa khỏi đau nhức xương khớp chỉ sau hai giờ dùng thuốc. Với niềm tin bất tận như thế nên cuộc đua săn lùng những mặt hàng có xuất thân từ sản vật rừng núi vẫn luôn náo nhiệt và không ngừng nghỉ.

Hé lộ thuật kiếm tiền bằng niềm tin mù quáng

Đã có nhiều trường hợp, vì quá tôn sùng những loại biệt dược này mà người dùng phải chịu những hậu quả không mong muốn. Như chính bản thân ông Hoàn khi mua xương hổ về mài uống, chưa uống hết được phân nửa thì ông phải vào viện vì thấy người mệt mỏi, chán ăn, đi tiểu nhiều lần... 

Bác sỹ chẩn đoán ông bị suy thận vì sản phẩm bào từ xương hổ khi uống vào cơ thể không hấp thụ được, thận phải làm việc nhiều hơn. Bên cạnh đó, ông cũng lớn tuổi nên thận càng yếu và dễ bị tổn thương. Không chỉ thế gan ông cũng có dấu hiệu bị ảnh hưởng.

Theo bác sỹ Lê Hữu Tuấn (chuyên khoa II, bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương), việc mài sừng tê giác hay xương bành chè hổ ra để uống là hoàn toàn phi khoa học. Đã có trường hợp bị dị ứng, toàn thân xuất hiện những vết phát ban mẩn đỏ vì sử dụng sừng tê giác.

Ông Lê Hữu Tuấn cho biết: “Những sản phẩm từ sừng tê giác hay xương bánh chè của hổ không có nhiều công dụng như thiên hạ vẫn đồn đại. Tôi cũng đã chứng kiến rất nhiều người có điều kiện kinh tế bỏ không ít tiền mua bột sừng tê giác về uống để chữa ung thư, nhưng kết quả vẫn là cái chết. 

Điều đó cho thấy, sừng tê giác hoàn toàn không có tác dụng chữa bệnh như những gì chúng ta đã được nghe. Tất cả chỉ là thông tin truyền miệng chứ chưa có bất kỳ chứng minh khoa học nào”.

Theo nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu thì sừng tê giác được tạo nên từ keratin, một loại protein tồn tại trong tóc và móng tay, móng chân của người. Nhiều người Việt Nam tin những thứ đắt mới tốt. Nhưng nếu có ý định bỏ ra một khoản tiền lớn để mua sừng tê giác thì nên... gặm móng tay thay vào đó. 

Còn mặt hàng xương bánh chè hổ, ông Tuấn cho biết, ngày xưa các cụ khi nấu cao hổ cốt thì thường phải cho xương bánh chè hổ vào thì mới thành cao được. Còn việc mài xương ra để uống không những không chữa được bệnh, mà còn có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vì nếu dùng phải xương hổ tươi, vẫn còn tủy thì tủy hổ rất độc, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dùng. 

“Trước kia cao hổ được dùng để trị thấp khớp và liệt nửa người thì thấy có tác dụng. Chắc chắn trên thị trường bây giờ không có cao hổ chất lượng mà đa phần là hàng pha tạp hoặc hàng giả. 

Và trong điều trị chính thống ở các bệnh viện, chúng tôi không sử dụng”, ông Tuấn nói. Nói về các thủ thuật làm giả mặt hàng này, ông Tuấn cho biết: “Thời kỳ trước đây, bọn làm giả thường sử dụng sừng trâu nước nhưng nay chủ yếu là bò châu Phi. 

Làm từ sừng trâu nước thì nhiều người Việt Nam có thể nhận ra được nhưng làm từ sừng bò châu Phi thì quá khó để phát hiện. Chóp sừng của loài bò này giống sừng tê giác. Những tay buôn lậu không cần phải chế tác mà cứ cắt nguyên sừng của bò châu Phi đi lừa vẫn “ăn tiền”. Bởi từ màu sắc, vân... rất giống với sừng tê giác”.

Trên thực tế, để tránh ăn quả đắng bởi niềm tin mù quáng, chỉ có một cách duy nhất là phải tỉnh táo. Thần dược truyền miệng nào đó suy cho cùng cũng chỉ là thổi phồng tác dụng để chiếm đoạt tiền từ niềm tin mù quáng mà thôi.

Việt Nam đang nỗ lực hạn chế việc nhập lậu sừng tê giác

Theo số liệu thống kê từ năm 2008 đến tháng 6/2015, hải quan Việt Nam đã chủ trì, phối hợp, phát hiện và bắt giữ 23 vụ vận chuyển trái phép sừng tê giác; số lượng trên 26 khúc, 10 chiếc sừng và gần 140kg sừng tê giác.

Theo nguoiduatin

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hoa sở nở rộ tạo ra những 'bức tường hoa' giữa núi rừng Bình Liêu.

Hoa sở phủ trắng núi rừng Bình Liêu

GD&TĐ - Khi mùa Đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.