"Bốc hỏa" vì tự cãi vã chính mình

GD&TĐ - Bà Ất có một đường ruột vô cùng nhạy cảm. Mỗi khi bà có chuyện gì đó phải suy nghĩ nung nấu bà không những đau đầu, mà bụng bà cứ chướng lên, sôi ùng ục rất khó chịu.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Sau đó là đau bụng ngâm ngẩm và ruột quặn lên khiến những thứ bà ăn vào chưa kịp được tiêu hóa cho kỹ đã bị tống ra ngoài. Dĩ nhiên là bà bị suy dinh dưỡng, hấp thu khó, người xơ xác, thiếu năng lượng và tinh thần suy sụp.

Nhưng điều gì khiến bà Ất phải suy nghĩ nhiều như vậy? Thông thường, phải là những người làm ăn lớn, hoặc người quyền chức cao, trách nhiệm lớn sẽ phải lo toan nhiều. Còn bà Ất chỉ là một dược sĩ trong một công ty dược phẩm, công việc khá ổn định, thu nhập khá, đủ để chu cấp cho bản thân và gia đình. Không có nhiều áp lực trong công việc và gia đình, lẽ ra bà Ất có thể nhẹ nhõm tinh thần, kê cao gối ngủ.

Nghĩ nhiều cũng là một thói quen. Nghĩ quen thành nghiện nghĩ, mà nghiện thì lại trở thành thứ bệnh mất rồi. Bà Ất lúc đầu không biết điều đó. Bà chỉ thức dậy là nghĩ, cái đầu tự nghĩ, cái đầu nó điều khiển bà mà bà không hề biết.

Cho đến khi bà hay bị đau bụng tiêu chảy, bà cứ cho rằng do thức ăn, nên đi mua thuốc uống. Bà Ất dùng nhiều loại thuốc tiêu hóa, trị bệnh đường ruột, nhưng hầu như không khỏi dứt bệnh. Sau này, đi khám bệnh, bà mới biết nguyên nhân chính không chỉ do thức ăn, do nhiễm khuẩn đường ruột, mà do bệnh nghiện nghĩ của bà.

Mới tỉnh dậy trên giường, ý nghĩ đầu tiên của bà Ất là lo lắng bồn chồn với danh sách các việc phải hoàn thành trong ngày. Thế là bà bật dậy, vội vã cuống cuồng làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng xong là tất tả đến công ty làm việc.

Nhưng chỉ cần ngồi vào máy tính, kiểm tra email và các hồ sơ giấy tờ phải giải quyết, là lập tức bà Ất lên cơn đau quặn bụng, phải chạy ngay vào toilet. Hoặc khi bà trầm ngâm nung nấu bên các ống nghiệm, thử nghiệm các hóa chất, thì bà cũng đau quặn bụng.

Buổi đêm về, sau khi hoàn thành hết các việc nhà và lên giường đi ngủ, bà Ất lại trằn trọc bởi vài chuyện bực mình xảy ra trong ngày. Nó cứ ám ảnh làm bà khó ngủ. Cô đồng nghiệp nói kháy một câu. Người bạn trên Facebook chê bộ váy bà mới sắm màu rực quá. Chồng bà Ất bỏ cơm tối đi uống rượu với bạn… Tất tần tật mấy chuyện bất ý đó cứ đay đi đay lại, ám ảnh bà, không cho trí óc bà được thảnh thơi.

Bà Ất cứ nghĩ và nghĩ, lăn qua lăn lại trên giường.

Hết bực người khác thì bà lại tự trách mình về những việc định làm mà không hoàn thành trong ngày. Trách mình đã không đến chăm mẹ già khi ốm. Trách mình không lo toan đủ cho con gái khi nó du học.

Trách mình từng nặng lời với con trai. Trách mình đã trót đầu tư tất cả tiền tiết kiệm vào chứng khoán để bây giờ tiền hao đi còn một phần ba… Bà Ất nếu không cãi vã với ai đó, thì lại tự cãi vã chính mình. Có tiếng nói nhỏ, dai dẳng, bướng bỉnh cứ vang lên trong đầu bà, không thể tắt đi được.

Chỉ đến khi bà Ất được một người thầy tinh thần khuyên bà nên học thiền, tập thiền tại nhà, thì bà mới biết cách quan sát ý nghĩ của bản thân. Bà mới phát hiện ra việc bị chính ý nghĩ của mình chiếm đoạt tâm trí, hành hạ ngày đêm, dẫn đến bệnh tiêu hóa.

Bà hy vọng, với việc tập thiền định sẽ ngừng được việc cãi vã chính mình, căn bệnh bà mắc nghiện bao lâu nay mà không phát hiện ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ