Bộ Y tế sẽ nhập khẩu hơn 200.000 liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên

GD&TĐ - Bộ Y tế vừa đồng ý nhập khẩu vaccine COVID-19 của AstraZeneca với số lượng 204.000 liều để sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch.

Vaccine COVID-19 của AstraZeneca. Ảnh: AFP.
Vaccine COVID-19 của AstraZeneca. Ảnh: AFP.

Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam, cho biết, đồng ý cho công ty này nhập khẩu vaccine "COVID-19 vaccine AstraZeneca" số lượng 204.000 liều. 

Vaccine nhập khẩu để sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19, đáp ứng các điều kiện đi kèm việc phê duyệt vaccine được ban hành kèm theo Quyết định số 983/QĐ-BYT ngày 1/2 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Nội dung công văn của Cục Quản lý Dược nêu rõ: "Công ty AstraZeneca Việt Nam chịu trách nhiệm về nguồn gốc, chất lượng vaccine nhập khẩu và đảm bảo việc sử dụng vaccine đúng mục đích, an toàn, hiệu quả".

Ngoài ra, Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam phải thực hiện đúng các quy định hiện hành về xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối thuốc và các quy định về dược có liên quan.

Trước đó, ngày 1/2, Bộ Y tế ban hành Quyết định 983/QĐ-BYT phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19.

Loại vaccine được phê duyệt có tên "COVID-19 vaccine AstraZeneca", Công ty TNHH AstraZeneca tại Việt Nam là đơn vị đề xuất Bộ Y tế phê duyệt. Cùng ngày, AstraZeneca ký hợp tác cung cấp 30 triệu liều vaccine COVID-19 cho Trung tâm tiêm chủng vaccine VNVC của Việt Nam, trong nửa đầu năm 2021.

Bộ Y tế cho biết, đây là vaccine COVID-19 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Trong sự kiện Bộ Y tế tiếp nhận 21 tỷ đồng ủng hộ Quỹ mua vaccine phòng chống dịch COVID-19 hôm 5/2, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay theo dự kiến, cuối tháng 2, đầu tháng 3/2021, lô vaccine với số lượng giới hạn của vaccine AstraZeneca sẽ về Việt Nam. 

Các cơ quan đang cố gắng để trong 6 tháng cuối năm, lượng vaccine của hãng này sẽ cung ứng đủ 30 triệu liều cho Việt Nam (như đã cam kết) và tiếp tục đàm phán để tăng số lượng vaccine này cho thị trường Việt Nam.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 vào chiều 15/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, về vấn đề vaccine COVID-19, tiếp tục khẩn trương chỉ đạo thực hiện nhập khẩu vaccine để sớm đưa vaccine về Việt Nam phục vụ người dân. Thúc đẩy nhanh việc nghiên cứu sử dụng các vaccine sản xuất trong nước.

“Trong lúc này, nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của Chính phủ”, Thủ tướng lưu ý, trong tháng 2 phải có được vaccine từ nguồn viện trợ theo chương trình COVAX và nguồn nhập khẩu, đồng thời với đó là đẩy mạnh sản xuất trong nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, Bộ Y tế cơ bản làm xong thủ tục tiếp nhận vaccine theo chương trình COVAX. Cuối tháng 2 này, nếu sắp xếp kịp chuyến bay và hoàn thiện tốt các thủ tục thì có vaccine theo 2 nguồn là nguồn từ chương trình COVAX là 4,8 triệu liều và nhập khẩu hơn 117.000 liều.

Như vậy, chúng ta có khoảng 5 triệu liều để tiêm mũi thứ nhất. Đợt đầu có thể tiêm cho 5 triệu người. Việt Nam là một trong những nước ở Đông Nam Á tiếp cận vaccine COVID-19 tương đối tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tăng thực hành giúp học viên nâng cao tay nghề, đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng.

Đào tạo nghề song song học văn hóa: Hướng đi mới

GD&TĐ - Trong bối cảnh nhiều sinh viên đại học tốt nghiệp vẫn loay hoay tìm việc, thì hàng trăm thanh niên dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk lại tìm được hướng đi rõ ràng từ sớm nhờ học nghề kết hợp học văn hóa.

Minh họa/INT

Vai trò của đọc hiểu

GD&TĐ - Đọc hiểu giữ vai trò trung tâm, là chiếc cầu nối giúp học sinh tiếp cận, giải mã và cảm nhận sâu sắc các giá trị tư tưởng, nghệ thuật của văn bản.