Ngày 25/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Báo cáo Kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023".
Kết quả giám sát cho biết, việc kiểm soát dịch bệnh tốt và huy động các nguồn viện trợ, tài trợ vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 dẫn đến không phải sử dụng nguồn vốn này.
Báo cáo đã đánh giá kết quả thực hiện các chính sách cụ thể, trong đó có việc đầu tư phát triển trong lĩnh vực y tế.
Thủ tướng đã thông báo danh mục và mức vốn là 13.491 tỷ đồng cho 145 dự án thuộc lĩnh vực y tế của 59 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhu cầu tham gia chương trình; 15 viện, bệnh viện tuyến Trung ương thuộc Bộ Y tế, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch để phục hồi sau đại dịch.
Đến thời điểm báo cáo ngày 31/1, tổng số giải ngân của các dự án thuộc lĩnh vực y tế là 6.503 tỷ đồng, đạt 48% so với tổng mức vốn bố trí theo Nghị quyết số 43.
Báo cáo của Đoàn giám sát cũng nêu, theo báo cáo của Bộ Y tế, triển khai Nghị quyết số 43, Bộ Y tế đã tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương huy động nguồn viện trợ, tài trợ (ngoài ngân sách Nhà nước) về vaccine, thuốc điều trị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 với tổng giá trị khoảng 42.667 nghìn tỷ đồng.
Ngày 19/10/2023, Bộ Y tế đã ban hành quyết định về việc điều chỉnh bệnh Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
Vì vậy, Bộ Y tế không có phương án sử dụng nguồn kinh phí 46.000 tỷ đồng từ các nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại Nghị quyết số 43.
Về các nhiệm vụ, giải pháp, Đoàn giám sát nêu lên một số kiến nghị, trong đó nhấn mạnh những nội dung sau:
Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, có giải pháp giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện các dự án đầu tư nêu tại Báo cáo giám sát.
Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đánh giá hiệu quả sử dụng vốn của Chương trình. Qua đó, đầu tư, xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật.