Giảm mật độ công nhân điểm nóng
Tính đến 6 giờ sáng 7/6, Việt Nam có thêm 44 ca mắc mới Covid-19, riêng Bắc Giang có 24 ca, nâng tổng số ca mắc tại tỉnh này lên tới 3.113 ca. Đợt dịch này tại Bắc Giang so với các làn sóng dịch trước đó tại Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hải Dương… có rất nhiều điểm khác về quy mô, tốc độ lây lan lẫn mức độ nguy hiểm của biến chủng Delta của SARS-CoV-2 được ghi nhận lần đầu tại Ấn Độ.
Để ứng phó tình huống cấp bách trên, các chuyên gia của Bộ Y tế thuộc Tổ điều tra, giám sát dịch tễ do PGS.TS Trần Như Dương đứng đầu, đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh Bắc Giang nhanh chóng phong tỏa ngay các khu dân cư tập trung đông công nhân có nguy cơ cao như: Núi Hiểu, Trung Đồng, Tam Tầng, Quang Biểu…
Đưa thiết chế cách ly tập trung vào những khu vực này để thiết lập mô hình khu cách ly y tế tập trung tại chỗ nhằm khoanh vùng, khống chế dịch ngay. Thực hiện nghiêm ngặt việc nội bất xuất, ngoại bất nhập không cho nguồn lây có cơ hội thoát ra ngoài để lây lan sang các địa phương khác.
Bên cạnh đó, thực hiện quyết liệt việc cách ly tại nhà với từng hộ gia đình ở bên trong ổ dịch để ngăn chặn dịch lây lan với nguyên tắc: “Người nhà nào ở yên nhà ấy; không gặp gỡ tiếp xúc với ai ở bên ngoài; không cho ai đến chơi nhà ai; không cho ai vào nhà mình với tinh thần nhà nhà cửa đóng then cài”.
Cùng với các biện pháp trên Bắc Giang cũng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm quét định kỳ 3 ngày/lần tại những khu vực phong tỏa để phát hiện và đưa nhanh người nhiễm ra khỏi cộng đồng.
Đây là quá trình làm sạch ổ dịch, được tỉnh đã và đang làm rất kiên trì, thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang cũng đã tổ chức việc kéo giãn, rút giảm mật độ công nhân tại những điểm nóng có mật độ quá cao để làm giảm nguy cơ lây lan trong ổ dịch, đặc biệt tại thôn Núi Hiểu.
“Có thể nói, việc Bắc Giang giữ chân được hầu hết số công nhân ngoại tỉnh ở lại Bắc Giang và phong tỏa sớm ngay được những khu vực nguy cơ cao là một nỗ lực rất lớn của tỉnh và chính điều này thực sự đã ngăn chặn được dịch bệnh không lây lan trên diện rộng, góp phần rất lớn giữ an toàn cho cả nước” - PGS.TS Dương nhấn mạnh.
Test nhanh, gắn trách nhiệm khu cách ly
Với khả năng lây truyền mạnh, tốc độ nhanh, đặc biệt dịch tễ xuất hiện ở khu công nghiệp nên số lượng ca bệnh có liên quan dịch tễ có thể lên tới vài chục nghìn người. Do đó, việc xét nghiệm phải thực hiện nhanh trên diện rộng, phạm vi lớn.
Vì vậy, việc áp dụng test nhanh kháng nguyên được đề xuất triển khai để sàng lọc tại chỗ các nguồn lây nhiễm mạnh (các test nhanh lựa chọn áp dụng có độ nhạy lớn hơn 70% và độ đặc hiệu lớn hơn 80%)… Phương pháp lấy mẫu xét nghiệm cũng thực hiện theo hình thức mới, chia nhỏ các nhóm đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để lấy mẫu nhằm hạn chế tới mức tối đa việc lây nhiễm chéo.
Nhờ áp dụng phương pháp mới trên, mà các ổ dịch nóng tại Núi Hiểu, Trung Đồng, Tam Tầng (huyện Việt Yên) đã từng bước được sàng lọc, làm sạch. Tới nay, tại các ổ dịch đã gần như được khống chế và kiểm soát.
GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai (Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) cho biết, đã phối hợp cùng lực lượng nhân viên y tế tới từ các đoàn chi viện tổ chức nhiều buổi tập huấn cho người dân tự lấy mẫu trong các khu cách ly tập trung, xây dựng video hướng dẫn tự lấy mẫu test nhanh và hướng dẫn nhân viên y tế lấy mẫu test nhanh trong cộng đồng.
Theo GS.TS Mai, mô hình này hoàn toàn có thể áp dụng và nhân rộng trong những tình huống cấp bách khi địa phương bị thiếu hụt về nhân lực y tế. Tuy nhiên, để việc trên được diễn ra trơn tru, đạt hiệu quả cao thì công tác tập huấn, hướng dẫn là vô cùng quan trọng.
Còn ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, Bắc Giang hiện có hàng trăm khu cách ly tập trung trải rộng khắp các địa bàn. Do đó, để quản lý Tổ cách ly y tế và xử lý môi trường của Bộ phận thường trực đã tham mưu cho tỉnh giao trách nhiệm cho các đơn vị quản lý khu cách ly.
Đến ngày 26/5, Bắc Giang đã ra công văn yêu cầu Chủ tịch UBND huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình hoạt động của các khu cách ly tập trung trên địa bàn huyện, thành phố…
Thiết lập trung tâm hồi sức tích cực lớn nhất miền Bắc
Với tình hình như hiện nay, dự báo trong những ngày tới, số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng cao, song mức tăng có chiều hướng giảm. Trước tình hình đó, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) nhấn mạnh, không thể nào thiết lập nhiều bệnh viện dã chiến cùng một lúc vì rất tốn kém và mất thời gian, mà phải đưa phương án khác phù hợp hơn.
Chính vì thế, Bộ phận thường trực đã thảo luận và thống nhất với UBND tỉnh Bắc Giang để tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có của tỉnh. Cụ thể, tận dụng ký túc xá các Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự, Cao đẳng nghề công nghệ Việt – Hàn, Trung tâm chăm sóc người có công… và một số cơ sở khác nhằm thiết lập làm cơ sở thu dung điều trị ban đầu bệnh nhân mắc Covid-19.
Các cơ sở này có nhiệm vụ tiếp nhận những ca dương tính không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, tùy theo mức độ lâm sàng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Điểm mới thứ hai trong công tác điều trị lần này, tổ điều trị nhận thấy biểu hiện lâm sàng của ca bệnh khác với đợt dịch trước.
Cụ thể, là ngay cả những người trẻ không có bệnh nền thì diễn biến tổn thương phổi cũng rất nhanh, thường xảy ra từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10, chỉ cần từ khi có triệu chứng sau vài ngày đã xuất hiện mờ trắng hai bên phổi. Do đó, nguy cơ tử vong có thể ở các nhóm độ tuổi.
Vì vậy, ngoài việc lựa chọn BV Phổi Bắc Giang để thiết lập trung tâm hồi sức tích cực với 58 giường. Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) quy mô lớn nhất miền Bắc với 101 giường đã được ra mắt ngày 4/6 sau 5 ngày khẩn trương triển khai thi công.
“Bộ Y tế đã huy động các kíp chuyên môn kỹ thuật từ các BV Trung ương, BV tuyến tỉnh để cùng tham gia vận hành…”, ông Nguyễn Trọng Khoa nói.