Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Bộ Y tế đã giao cho các viện nghiên cứu đánh giá kháng thể bảo vệ sau tiêm vắc xin Covid-19 và kháng thể ở các trường hợp đã nhiễm SASR-CoV-2.
Cũng theo Thứ trưởng Tuyên, hiện các viện đang nghiên cứu và Bộ Y tế cũng đã đề nghị các viện sớm công bố nghiên cứu, báo cáo kết quả về các trường hợp đã tiêm vắc xin hoặc nhiễm SARS-CoV-2.
Trước đó, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan về việc không sử dụng xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 sai mục đích sau khi tiêm vắc xin hoặc đã khỏi bệnh vì có thể gây tâm lý chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Bộ Y tế cho biết hiện Tổ chức Y tế thế giới chưa đưa ra khuyến cáo về ngưỡng đáp ứng bảo vệ đối với virus SARS-CoV-2.
Bên cạnh đó, xét nghiệm huyết thanh học phát hiện kháng thể không sử dụng để xác định đang nhiễm virus và không giúp xác định hiệu quả bảo vệ đối với bệnh Covid-19, chủ yếu phục vụ trong nghiên cứu, đánh giá dịch tễ, điều trị.
Liên quan đến kiểm tra định lượng kháng thể, thông tin trên báo chí, BS. Trần Văn Công - nhóm bác sĩ tình nguyện "Giúp nhau mùa dịch" tại Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: Hiện nay, xét nghiệm định lượng kháng thể SARS- CoV-2 đang thực hiện ở đa số phòng Lab là định lượng kháng thể IgG. Nói về kháng thể thì có thể chia 2 loại:
Kháng thể liên kết (binding antibody) gồm: IgM, IgG,IgA....
Kháng thể trung hòa (neutralizing antibody).
Do đó xét nghiệm định lượng kháng thể hiện nay chỉ thể hiện được lượng IgG, nó không phản ánh được tổng lượng kháng thể cơ thể tạo ra (các kháng thể hòa tan và kháng thể liên kết khác). Vì vậy nếu chỉ dựa vào chỉ số IgG đơn độc đánh giá tình trạng miễn dịch là không có nhiều ý nghĩa.
Ngoài ra, một hàng rào cực kỳ quan trọng, hơn cả lượng kháng thể cao bao nhiêu - đó chính là các tế bào nhớ, các B cell memory...
Nói cách khác, khi virus hay một phần virus xâm nhập vào cơ thể, ngoài việc sinh ra các loại kháng thể kể trên, cơ thể chúng ta còn có một đội ngũ các tế bào nhớ. Đội ngũ này sẽ ghi nhớ bộ mặt virus hoặc kháng nguyên. Các tế bào này tồn tại rất lâu, được tính bằng nhiều năm. Và khi có virus xâm nhập lần tiếp theo, các tế bào này sẽ nhận ra và nhanh chóng khởi động hệ thống, sản xuất ồ ạt các kháng thể để tiêu diệt mầm bệnh. Sự tồn tại của các tế bào này không thể hiện trên các xét nghiệm thông thường chúng ta đang làm.
Bs. Trần Văn Công cho biết: Chính vì thế, dù ít hay nhiều kháng thể, nếu đã chích đủ 2 liều vắc xin hoặc là F0 đã khỏi bệnh, bạn đã có một hệ thống hoàn hảo trong cơ thể để chống lại virus ở lần tấn công sau. Xác suất bệnh nặng sẽ thấp hơn rất rất nhiều so với những người khác.
Bs. Trần Văn Công nhấn mạnh, mục tiêu của việc tiêm vắc xin là phòng bệnh. Người dân đổ xô đi xét nghiệm đo kháng thể như hiện nay là điều không cần thiết. Hơn nữa, mỗi loại vắc xin có một tỉ lệ tạo kháng thể khác nhau, mỗi giai đoạn kết quả xét nghiệm lại khác nhau nên việc xét nghiệm đo kháng thể hầu như không mang lại giá trị nhiều.