Thành phố Hồ Chí Minh kết thúc tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi

GD&TĐ - Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em 12-17 tuổi trên địa bàn đã kết thúc.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong suốt chiến dịch này, 709.645 trẻ trong độ tuổi từ 12-17 tuổi đã được tiêm chủng, tăng hơn 7.481 trẻ so với dự kiến ban đầu. Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin Covid-19 mũi 1 đạt 96,6%, mũi 2 đạt 85,5%. Toàn thành phố có 7 quận huyện đạt tỷ lệ cả 2 mũi tiêm trên 90%, gồm: Quận 5, Quận 8, Quận 10, Quận 11, quận Bình Thạnh, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ.

Trước đó, vào ngày 27/10/2021, Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi đợt 1 tại 2 quận huyện đầu tiên Củ Chi và Quận 1, kết thúc vào ngày 04/11/2021.

Sau đó, vào ngày 22/11/2021, toàn thành phố bắt đầu chiến dịch đợt 2. Đến nay chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi đã kết thúc. Tuy nhiên Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục rà soát để tiêm cho những trẻ chưa tiêm trong chiến dịch. Việc tổ chức tiêm cho trẻ đủ 12 tuổi sau chiến dịch sẽ được diễn ra tại các phường xã.

Sau đợt tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều bổ sung và nhắc lại, dự kiến bắt đầu từ ngày 10/12/2021.

Theo lộ trình, tháng 12/2021, thành phố tập trung tiêm cho người bệnh suy giảm miễn dịch đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày; tiêm cho người đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 6 tháng.

Tháng 1/2022 – 12/2022, thành phố sẽ tiêm cho người đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 6 tháng theo thứ tự ưu tiên; Tiếp tục tiêm cho người suy giảm miễn dịch đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày; Tiêm nhắc cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên vào cuối năm 2022.

HCDC thông tin thêm, liều bổ sung là liều vắc xin tiếp theo được khuyến cáo cho những người bị suy giảm miễn dịch vừa hoặc nặng sau khi đã được nhận được 2 liều cơ bản. Khoảng cách ít nhất 28 ngày kể từ ngày tiêm mũi thứ 2.

Còn liều tăng cường là liều vắc xin tiếp theo được sử dụng để tăng cường hoặc khôi phục khả năng bảo vệ của 2 liều cơ bản mà có thể đã giảm dần theo thời gian. Khoảng cách ít nhất 6 tháng kể từ ngày tiêm mũi thứ 2 hoặc mũi bổ sung.

Đối với liều bổ sung, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, có tình trạng suy giảm miễn dịch (người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang hoặc đã sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong 6 tháng...) đã tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày. Người từ 50 tuổi trở lên được ưu tiên tiêm trước.

Đối với liều nhắc lại, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung ít nhất 6 tháng. Nhóm được ưu tiên là người bệnh nền, cần chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Loại vắc xin để tiêm bổ sung hoặc nhắc lại cần tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế theo nguyên tắc: Nếu trước đó tiêm cùng 01 loại vắc xin thì tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA; Nếu trước đó đã tiêm các loại vắc xin khác nhau thì tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại bằng vắc xin mRNA; Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vắc xin của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA hoặc vắc xin véc tơ virus (vắc xin Astrazeneca).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.