Bộ trưởng Tô Lâm: Ma túy tổng hợp núp bóng tem giấy, trà sữa để vào trường học

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo Bộ trưởng Bộ Công an - Tô Lâm, ma túy tổng hợp đa dạng về chủng loại, dễ cất giấu, dễ mang vào trường học và núp bóng dưới tem giấy, trà sữa…

Bộ trưởng Bộ Công an - Tô Lâm.
Bộ trưởng Bộ Công an - Tô Lâm.

Trong Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội, chiều 7/11, đại biểu Hà Hồng Hạnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa) nêu ý kiến, thời gian gần đây, hàng loạt vụ việc liên quan đến thanh thiếu niên sử dụng ma túy bị phát hiện, khiến nhiều cử tri lo lắng, nhất là nguy cơ ma tuý xâm nhập vào môi trường học đường với nhiều chiêu thức tinh vi, gây ra những hậu quả khó lường.

Nhiều học sinh trở thành nạn nhân hoặc tham gia tàng trữ, mua bán, vận chuyển ma túy. Đáng lo hơn, ngày càng xuất hiện nhiều loại ma túy mới pha trộn với thực phẩm được bán gần các cơ sở giáo dục, trường đại học, nhằm lôi kéo, dụ dỗ học sinh, sinh viên sử dụng.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an cho biết giải pháp để xử lý, ngăn chặn vấn đề này?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an - Tô Lâm cho biết, hiện tình trạng sử dụng trái phép ma túy nói chung và ma túy tổng hợp nói riêng có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa.

Theo thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 9/2023, toàn quốc có khoảng 213.000 người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó có khoảng trên 81.000 người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy ở độ tuổi từ 16 - 30 tuổi, chiếm khoảng 38%.

Trong khi đó, ma túy tổng hợp ngày càng đa dạng về chủng loại, giá thành rẻ, dễ cất giấu, dễ sử dụng, dễ mang vào trường học và núp bóng dưới những cái tên rất mĩ miều, gây tò mò như: Tem giấy, bùa lưỡi, nước vôi, trà sữa… khiến cử tri và phụ huynh rất lo lắng.

Cùng với những giải pháp đấu tranh phòng, chống ma túy, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ đã tập trung ngăn chặn nguồn cung từ bên ngoài vào và đặc biệt coi trọng giảm nguồn cầu, vì đối tượng là giới trẻ, thanh niên và học sinh. Đây là đối tượng rất quan trọng để thực hiện các biện pháp giảm cầu về ma túy.

Bộ trưởng Bộ Công an - Tô Lâm trả lời chất vấn tại Quốc hội, chiều 7/11.

Bộ trưởng Bộ Công an - Tô Lâm trả lời chất vấn tại Quốc hội, chiều 7/11.

Để ngăn chặn được, Bộ Công an đã thực hiện các giải pháp để giảm cầu.

Thứ nhất, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện Chỉ thị số 31/2019 của Thủ tướng về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; Thông tư liên tịch số 06 giữa Bộ Công an và Bộ Giáo dục Đào tạo ngày 28/2/2015 về phối hợp để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành Giáo dục.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường, phát huy vai trò của chủ thể gia đình, nhà trường, của xã hội.

Thứ hai, phối hợp với các Bộ, ngành tăng cường tuyên truyền về Luật Phòng, chống ma túy, các chất ma túy mới để thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên biết, chủ động phát hiện, phòng tránh.

Thứ ba, thường xuyên kiểm tra, rà soát và triển khai các biện pháp phòng vệ, phát hiện, đấu tranh, xử lý các vi phạm sử dụng trái phép chất ma túy ở các trường học, trong các quán bar, karaoke, vũ trường, triệt phá các tụ điểm tổ chức sử dụng ma túy trái phép ở các địa phương.

Thứ tư, kiến nghị với một số các ngành chức năng như Y tế, Quản lý thị trường, ngành Công Thương… nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng cường phối hợp với thanh tra, kiểm tra, giám sát về các vấn đề an toàn thực phẩm, phòng chống các tác hại của thuốc lá, không để các đối tượng lợi dụng hoạt động ma túy núp bóng các loại thực phẩm, kể cả thuốc lá điện tử.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ