Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý gỡ khó cho ngành giáo dục Trà Vinh

GD&TĐ - Sáng 11/1, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu đoàn công tác có buổi làm việc với tỉnh Trà Vinh về tình hình triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 (CTGDPT mới).

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Trà Vinh.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Trà Vinh.

Ông Ngô Chí Cường - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Trà Vinh đồng chủ trì buổi làm việc cùng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Tham gia đoàn công tác có đại diện các cục, vụ chuyên môn của Bộ GD&ĐT, Tổng Biên tập Báo Giáo dục & Thời đại.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng ông Ngô Chí Cường - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Trà Vinh đồng chủ trì buổi làm việc.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng ông Ngô Chí Cường - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Trà Vinh đồng chủ trì buổi làm việc.

Cần có nghị quyết chuyên đề 

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao những nỗ lực, sự quan tâm của tỉnh Trà Vinh đối với sự nghiệp giáo dục nói chung và quá trình triển khai chương trình GDPT mới nói riêng. Theo Bộ trưởng, mặc dù chưa có những thành tích về giáo dục mũi nhọn, song giáo dục đại trà của Trà Vinh đã có nhiều tiến bộ trong những năm vừa qua.

Để “gỡ khó” về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trường lớp cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, tỉnh Trà Vinh cần xây dựng 2 đề án về phát triển đội ngũ giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp cho giai đoạn 5 năm (2021-2026).

Cụ thể, tỉnh cần rà soát nhu cầu về đội ngũ để thấy rõ thực tế thừa - thiếu, căn cứ lộ trình đổi mới và các quy định để xây dựng đề án phát triển đội ngũ giáo viên, từ đó có kế hoạch tuyển dụng, bồi dưỡng, xác định nguồn kinh phí đào tạo cho từng năm.

Trong điều kiện một tỉnh còn nhiều khó khăn, nguồn lực cho giáo dục còn hạn chế, Bộ trưởng cho rằng, đề án đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp sẽ giúp cho việc đầu tư của địa phương bài bản, có lộ trình, chia sẻ được các nguồn lực khác nhau, từ đầu tư công, đến các nguồn đề án, dự án và nguồn xã hội hóa.

Với 2 đề án này, Bộ trưởng gợi mở, tỉnh Trà Vinh nên có Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để thực hiện. Bộ trưởng đồng thời khẳng định, Bộ GDĐT sẽ đồng hành, hỗ trợ địa phương trong quá trình xây dựng và triển khai 2 đề án.

Đến thời điểm này, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 đã bước sang học kỳ II, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị, ngành Giáo dục tỉnh Trà Vinh chỉ đạo các nhà trường rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện, nhìn nhận điểm mạnh, điểm yếu, rút ra những bài học kinh nghiệm cho triển khai đối với lớp 2.

“Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là một chủ trương lớn, năm nay lại là năm đầu tiên thực hiện nên rất cần tổng kết. Những gì còn hạn chế cần rút kinh nghiệm và mạnh dạn thay đổi”, Bộ trưởng nêu rõ và cho biết, từ báo cáo của các địa phương, Bộ GDĐT sẽ có tổng kết chung.

Bộ trưởng cũng lưu ý tỉnh Trà Vinh về việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6; chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất triển khai hai lớp này trong năm học tiếp theo và chuẩn bị, sớm ban hành tài liệu giáo dục địa phương. Để dư luận nhân dân hiểu, đồng thuận với các chủ trương đổi mới, ngành Giáo dục Trà Vinh cần làm tốt công tác thông tin, truyền thông, trước mắt là thông tin, làm rõ kết quả triển khai đối với lớp 1.

Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị, tỉnh Trà Vinh cần có cơ chế phối hợp giữa ngành giáo dục của tỉnh với các bộ phận chuyên môn của Bộ để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai các chương trình GD nói chung và GDPT nói riêng.

Bà Nguyễn Thị Bạch Vân - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh báo cáo với đoàn công tác.

Bà Nguyễn Thị Bạch Vân - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh báo cáo với đoàn công tác.

 Chuẩn bị các điều kiện đảm bảo tổ chức dạy học lớp 2 CTGDPT mới

Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Bạch Vân - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh đã có báo cáo tổng thể tình hình triển khai thực hiện CTGDPT mới. Theo bà Nguyễn Thị Bạch Vân - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh, năm học 2020-2021, toàn tỉnh áp dụng SGK lớp 1 theo CTGDPT mới. Ngay trước khi khai giảng việc lựa chọn SGK lớp 1 được thực hiện đúng theo quy định của Bộ GD&ĐT.

“Sở GD&ĐT tổ chức các cuộc họp giao ban lãnh đạo Phòng GD&ĐT, CBQL, GV cốt cán để chỉ đạo và triển khai thực hiện những nội dung trọng tâm CTGDPT mới đối với cấp tiểu học; đồng thời tổ chức tập huấn bồi dưỡng đại trà cho tất cả GV, ưu tiên GV dạy lớp 1; thường xuyên giám sát, kiểm tra cơ sở giáo dục tiểu học việc lựa chọn SGK lớp 1 tại các cơ sở giáo dục.

Các trường tiểu học thực hiện đúng quy định về quy trình lựa chọn SGK lớp 1. Kết quả, có 100% GV được phân công dạy học lớp 1 đúng quy định (tổng số GV tập huấn đại trà 1.250 và 202 GV cốt cán); tổng số lớp 1 hiện nay là 654 lớp, 18.096 HS; tổng số GV dạy lớp 1: 1.385 GV; 100% trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày đối với lớp 1” - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh thông tin.

Ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) phát biểu góp ý tại buổi làm việc.

Ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) phát biểu góp ý tại buổi làm việc.

Hiện tỉnh Trà Vinh cũng đã chuẩn bị các điều kiện đảm bảo tổ chức dạy học lớp 2, năm học 2021-2022. Theo dự kiến của Sở GD&ĐT, toàn tỉnh có 163 trường/698 lớp/1614 GV/353 CBQL. Các đơn vị đều có kế hoạch lựa chọn GV đạt trình độ chuẩn để tham gia tập huấn bồi dưỡng CTGDPT mới, đảm bảo 1 lớp/phòng học chuẩn bị cho lớp 2; 100% trường, lớp, HS được tổ chức dạy học theo phương án trên 30 tiết/tuần.

Đối với cấp THCS, UBND tỉnh Trà Vinh đã ban hành các quyết định thành lập Ban chỉ đạo và triển khai thực hiện đổi mới chương trình SGK giai đoạn 2019-2025; các văn bản quy định về biên soạn CTGD địa phương đối với cấp THCS và THPT. Riêng GD địa phương cấp THCS được Dự án GD THCS Vùng khó khăn nhất (GĐ 2) của Bộ GD&ĐT hỗ trợ, sẽ thực hiện đúng tiến độ theo kế hoạch thực hiện CTGDPT mới đối với lớp 6 năm học 2021-2022. Dự kiến trong tháng 4/2021, tỉnh sẽ hoàn thành chương trình cấp THCS và đưa ra Hội đồng thẩm định cho ý kiến và tiến hành giảng dạy trong năm học 2021-2022.

Trong đó, Sở GD&ĐT đã phối hợp với UBND các huyện/thị xã/thành phố rà soát nhu cầu GV ở từng môn học, lớp học để xây dựng kế hoạch sắp xếp, bổ sung đội ngũ GV THCS, THPT thực hiện giảng dạy CTGDPT mới và đào tạo GV đạt chuẩn cấp THCS theo Luật Giáo dục 2019. Hiện 34/34 trường THPT, 101/101 trường THCS đã thực hiện theo các yêu cầu: các tổ chuyên môn và GV xây dựng các chủ đề dạy học trong môn học; tổ chức các hoạt động GD ngoài giờ lên lớp và đảm bảo đủ, đúng số tiết trong chương trình. Ngoài ra, toàn tỉnh có 354 CBQL và 112 GV cốt cán cấp THCS, THPT được cử tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng do Bộ GD&ĐT tổ chức, đây cũng là lực lượng nòng cốt hỗ trợ việc triển khai đại trà cho đội ngũ GV THCS, THPT trong toàn tỉnh vào chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho CBQL, GV trong năm học 2020-2021.

Ông Phạm Hùng Anh - Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Phạm Hùng Anh - Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, đại diện các cục, vụ chuyên môn và văn phòng Bộ GD&ĐT (Vụ GD mầm non, Vụ GD Tiểu học, Vụ GD THCS, Văn phòng Bộ, Cục Nhà giáo và CBQL, Cục Cơ sở vật chất) đã đánh giá cao sự chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện CTGDPT mới của tỉnh Trà Vinh, đồng thời có những góp ý thẳn thắng các lĩnh vực liên quan để công tác giáo dục tại địa phương tiếp tục đạt những thành quả cao hơn trong thời gian tới. Cụ thể là việc nâng cấp các cơ sở vật chất, diện tích đất dành cho GD còn hạn chế, tỉ lệ GV/HS, giáo viên đạt chuẩn, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ