Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đổi mới không dễ dàng nhưng chúng ta có niềm tin vì đi đúng hướng

GD&TĐ - Ngày 25/9, trong khuôn khổ phiên họp toàn thể lần thứ 14 Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã diễn ra buổi làm việc giữa cơ quan này với Bộ GD&ĐT về kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2015-2020.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội – chủ trì buổi làm việc. Về phía Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Ngô Thị Minh và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.

Chuyển biến rõ cả về nhận thức và hành động

Một nội dung quan trọng của buổi làm việc là góp ý cho dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2015-2020 (Dự thảo).

Dự thảo này đã nhận định khái quát về thực trạng giáo dục phổ thông và việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đánh giá kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 với cả những ưu điểm và tồn tại, hạn chế; đồng thời đưa ra đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành liên quan và với các địa phương.

Về kết quả đạt được khi thực hiện 2 Nghị quyết 88 và 51, Dự thảo báo cáo nêu rõ: Vai trò của Chính phủ, bộ ngành trung ương, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương được thể hiện khá rõ trong việc chỉ đạo triển khai Nghị quyết 88. Nhận thức, hành động của các cấp, các ngành và của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có sự chuyển biến rõ rệt, tạo sự thống nhất, đồng thuận khá cao trong triển khai, thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành tương đối đầy đủ, đã từng bước thể chế hóa các chủ trương, quan điểm lớn của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản GD&ĐT, tạo hành lang pháp lý cho thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Quy chế, quy trình biên soạn chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình các môn học và hoạt động giáo dục được ban hành theo Luật định, tương đối đầy đủ, khoa học. Lần đầu tiên trong lịch sử ngành giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT đã xây dựng và ban hành được chương trình giáo dục phổ thông hoàn chỉnh trước khi tổ chức biên soạn sách giáo khoa.

Việc biên soạn, ban hành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình các môn học và hoạt động giáo dục bảo đảm theo quy trình, quy định của pháp luật; bảo đảm tính liên thông, thống nhất giữa các cấp học, môn học theo định hướng, mục tiêu đổi mới của Nghị quyết 88. Việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa bước đầu thành công đối với lớp 1.

Cùng với đó, quy mô và mạng lưới giáo dục phổ thông phát triển nhanh và khá đa dạng về loại hình trường, cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh. Đội ngũ nhà giáo đã có bước phát triển cả về số lượng, chất lượng, tương đối đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Công tác chỉ đạo, điều hành, quán triệt Nghị quyết 88 được triển khai tương đối đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục đa số đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Công tác quản lý nhà nước về giáo được tăng cường và đã có bước chuyển biến tích cực theo hướng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới cơ chế quản lý tài chính của ngành; tăng cường phân cấp quản lý giáo dục; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm của các cơ sở giáo dục.

Đầu tư cho giáo dục được ưu tiên, cơ sở vật chất nhà trường từng bước được cải thiện, nâng cấp theo hướng chuẩn hóa. Việc chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất được nhiều địa phương quan tâm đầu tư, theo các chuẩn quy định để bảo đảm điều kiện triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới…

Ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội – phát biểu buổi làm việc.
Ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội – phát biểu buổi làm việc.

Đổi mới giáo dục là một quá trình

Tại buổi làm việc, các ý kiến góp ý đều cơ bản thống nhất với Dự thảo báo cáo giám sát; trong đó có việc đánh giá cao công tác chỉ đạo của Chính phủ và triển khai của Bộ GD&ĐT.

“Sự cố gắng này sẽ đi đến kết quả tốt” – Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nhận định, đồng thời nhấn mạnh thêm một số kết quả mà ngành Giáo dục đã đạt được. Trong đó có sự chuyển biến trong nhận thức của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; một loạt các văn bản được Chính phủ, Bộ GD&ĐT ban hành đã chỉnh dần nhận thức cũng như bất cập của ngành…

Đại biểu Quốc hội Chu Lê Chinh (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu) ghi nhận, đánh giá cao 3 kết quả nổi bật của ngành Giáo dục trong năm 2020. Theo đó, toàn ngành Giáo dục đã thực hiện tốt nhiệm vụ kép: vừa không dừng dạy học dù tạm ngừng đến trường; vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho HSSV, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trong dịch bệnh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được tổ chức thành công, an toàn. Cùng với đó, chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình, sách giáo khoa mới; phụ huynh, học sinh đón nhận với tâm thế chủ động…

Đại biểu Quốc hội Tăng Thị Ngọc Mai cũng đánh giá: Trong nhiệm kỳ này, Bộ GD&ĐT đã làm được rất nhiều việc; một trong số đó là đưa ra những quy định về chuẩn đội ngũ, từ giáo viên đến cán bộ quản lý giáo dục. Liên quan đến triển khai chương trình mới, đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai cho rằng, cần phải làm sao để mỗi giáo viên, cán bộ quản lý phải là một tuyên truyền viên về đổi mới chương trình, sách giáo khoa, mà muốn là một tuyên truyền viên thì trước hết cần hiểu, nhận thức đúng. Giai đoạn này vẫn là giai đoạn chuyển tiếp, việc hiểu chưa nhất quán, nên tuyên truyền càng cần thực hiện đồng bộ.

Bên cạnh ghi nhận những nỗ lực của ngành Giáo dục, các đại biểu cũng chỉ ra những vấn đề còn khó khăn, tồn tại; đặc biệt liên quan đến đội ngũ giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học, chính sách để tạo động lực cho đội ngũ, việc sáp nhập trường lớp…

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: trong thời gian qua, toàn ngành đã rất nỗ lực để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội. Tuy nhiên, đổi mới giáo dục là một quá trình; đặc biệt là với một chủ trương lớn thì qua 6 năm chưa thể có nhiều kết quả ngay. Bộ trưởng cũng đã trao đổi lại các vấn đề đại biểu còn băn khoăn và thể hiện niềm tin vào thành công của đổi mới vì chúng ta đã đi đúng hướng, theo đúng tinh thần của Nghị quyết 88.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Microsoft Excel có thể ứng dụng thực tế vào nhiều ngành nghề khác nhau. Ảnh: ITN

Tiện nghi là số một!

GD&TĐ - Thân gửi bạn Microsoft Excel! Bạn là một phần mềm máy tính để xử lí dữ liệu một cách cực kì nhạy bén.