Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình bày Tờ trình dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Theo Bộ trưởng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước hiệu lực, hiệu quả.
Việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thúc đẩy Chính phủ kiến tạo phát triển, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nội dung dự thảo Luật tập trung hoàn thiện quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ. Trong đó, điểm mới là Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về các ngành, lĩnh vực.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu, Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Chính phủ với các lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Về cơ bản, các tài liệu trong Hồ sơ đã bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Về hồ sơ trình xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định.
![Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. luat2.jpg](https://cdn.giaoducthoidai.vn/images/1cc00caae9291ae6a0076866cf84c7be0faa5604db31350fea49b137a05f6dd5bc63b4cc55323ef70a33248940d3c8c9/luat2.jpg)
Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) có nhiều nội dung liên quan đến các luật đang được sửa đổi, bổ sung. Đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, đối chiếu để bảo đảm đồng bộ về chính sách và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Ủy ban Pháp luật cũng nhất trí với việc cần phân định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách thành viên Chính phủ và tư cách người đứng đầu Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Tuy nhiên, quy định như tại dự thảo chưa thực sự rõ và có thể gây ra cách hiểu khác nhau trong áp dụng pháp luật. Do đó, đề nghị nghiên cứu làm rõ hơn để bảo đảm tính phù hợp, khả thi.
Những nội dung về phân quyền, phân cấp, ủy quyền được thể hiện ở dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
Do đó, cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Ủy ban Pháp luật đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, nghiên cứu quy định theo hướng khái quát hơn, bảo đảm sự thống nhất với các luật có liên quan.