Sáng 12/11, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về nhóm lĩnh vực thông tin và truyền thông. Trong đó, có nội dung đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông.
Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông là ngành đa lĩnh vực, vừa hạ tầng, vừa kỹ thuật công nghệ, vừa kinh tế, vừa chính trị nhưng đều liên quan đến kỹ thuật số.
Đó là hạ tầng số, công nghệ số, công nghiệp số, quản lý Nhà nước về báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, thông tin cơ sở, xuất bản, in và phát hành. Bởi vậy, nhiều người gọi Bộ Thông tin và Truyền thông là Bộ hạ tầng số, Bộ chuyển đổi số.
Bộ trưởng cho biết, ngành Thông tin và Truyền thông hiện có doanh thu hàng năm 150 tỷ USD, bằng 1/3 GDP của đất nước; tăng trưởng luôn cao hơn 2 lần tăng trưởng GDP. Thời gian qua, Bộ Thông tin truyền thông đã tăng cường phổ cập, nâng cao hạ tầng số tại các vùng sâu vùng xa.
"Chúng tôi coi những tồn tại, hạn chế là động lực phát triển ngành. Đất nước ta đang đứng trước vận hội mới, vừa là thời cơ, vừa thách thức, nhưng với sự lãnh đạo của Đảng, sự chung sức đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, của toàn hệ thống chính trị, chúng ta nhất định sẽ thực hiện thành công cách mạng chuyển đổi số, đưa đất nước, dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", Bộ trưởng nói.
Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm chất vấn thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, 80% thị phần quảng cáo trực tuyến tập trung vào các nền tảng xuyên biên giới như YouTube, Facebook, TikTok (khoảng hơn 1 tỷ USD).
20% còn lại là các báo điện tử, doanh nghiệp quảng cáo trực tuyến trong nước.
Thời gian tới, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, xu thế thị phần quảng cáo trực tuyến (quảng cáo trên mạng) sẽ tiếp tục tăng.
Bộ trưởng cho biết, các vi phạm về nội dung quảng cáo chủ yếu là: Quảng cáo cho dịch vụ, sản phẩm bất hợp pháp (tín dụng đen, tiền ảo, games cờ bạc, cá độ…); quảng cáo các loại thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc, thậm chí quảng cáo chữa bách bệnh, kể cả ung thư...; quảng cáo sai sự thật lừa đảo (dùng hình ảnh mạo danh logo các báo, đài để tạo lòng tin)…
Đáng lưu ý, quảng cáo của một số nhãn hàng, doanh nghiệp Việt Nam bị gắn vào nội dung xấu độc, phản động, vi phạm pháp luật Việt Nam, đặc biệt là trên YouTube, Facebook.
Bộ trưởng cho biết, các nền tảng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới/đại lý quảng cáo vì mục đích lợi nhuận nên không kiểm soát nội dung, sản phẩm quảng cáo theo quy định pháp luật Việt Nam, không lựa chọn bộ lọc để loại trừ quảng cáo vào các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.
Hiện chưa có chế tài để xử lý phạt hành chính với các nền tảng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vì không có pháp nhân tại Việt Nam và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Lực lượng làm công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý còn mỏng so với yêu cầu.
Hệ thống giám sát hoạt động quảng cáo trên mạng chưa được đầu tư tương xứng để có khả năng giám sát, tự phát hiện các vi phạm trong hoạt động quảng cáo của các nền tảng xuyên biên giới.
Thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo trên báo chí và trên môi trường mạng.
Tăng cường đấu tranh, đàm phán với các nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook, TikTok và các mạng lưới quảng cáo về việc tuân thủ quy định pháp luật về cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng, dịch vụ quảng cáo, thuế.