Ngày 18/11, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Diễn đàn công nghệ mở Việt Nam năm 2020 lần thứ nhất (Open Summit 2020) với chủ đề Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Với khẩu hiệu “Phát triển và làm chủ công nghệ số Việt Nam”, Diễn đàn thu hút hơn 200 đại biểu tham dự trực tiếp và nhiều đại biểu tham dự tại các điểm cầu trực tuyến gồm lãnh đạo đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin thuộc các bộ, ngành Trung ương, Sở Thông tin và Truyền thông, chuyên gia công nghệ, đại diện các tập đoàn doanh nghiệp công nghệ.
Trên thế giới, khái niệm phần mềm tự do nguồn mở được bắt đầu từ năm 1983 với ý tưởng là các phần mềm máy tính cần được tự do sao chép, chia sẻ, nghiên cứu cải tiến và thích nghi.
Sau hơn 30 năm, phần mềm nguồn mở hiện diện ở mọi nơi, có trong hầu hết các ứng dụng thương mại. Các hãng phần mềm lớn trên thế giới (như hãng Google, Facebook…) đều tham gia phát triển và đóng góp cho dự án phần mềm nguồn mở. Tại Việt Nam, cuối những năm 90 của thế kỷ 20 bắt đầu xuất hiện những nhóm người phát triển phần mềm mở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, công nghệ thông tin, công nghệ số đã, đang và sẽ thâm nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, trở thành không khí thở của con người. Vì thế, công nghệ thông tin phải rẻ như không khí. Và cách để đạt được điều đó là sử dụng công nghệ mở.
Công nghệ mở ngày nay không còn chỉ là mã nguồn mở, mà còn là kiến trúc mở và chuẩn mở. Đi cùng công nghệ mở là văn hóa mở. Khi tất cả mọi người cùng cùng đóng góp phát triển công nghệ, cùng chia sẻ sử dụng công nghệ, thì giá công nghệ sẽ rẻ đi.
Nhận định dữ liệu là dầu mỏ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong tương lai, hầu hết các giá trị sẽ được tạo ra từ dữ liệu. Càng nhiều dữ liệu, nhất là càng nhiều loại dữ liệu khác nhau, cơ hội tạo ra giá trị mới càng lớn. Người có dữ liệu và người tạo ra giá trị mới từ dữ liệu đó trong nhiều trường hợp không phải là một.
Do vậy, việc mở dữ liệu và dữ liệu mở là quyết định trong việc tạo ra giá trị mới cho người dân, cho đất nước. Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt Cổng quốc gia về mở dữ liệu (data.gov.vn) và hiện đã có trên 10.000 bộ dữ liệu.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Việt Nam phát triển công nghệ 5G dựa trên chuẩn mở (Open RAN). Mạng 5G Việt Nam cũng sẽ dùng chuẩn mở. Việt Nam là nước thứ 5 trên thế giới làm chủ thiết bị 5G. Hiện nay, hai doanh nghiệp công nghệ lớn của đất nước là Tập đoàn Viettel và Tập đoàn Vingroup, sau một thời gian độc lập phát triển công nghệ 5G, dưới sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, đã thống nhất hợp tác phát triển 5G theo chuẩn mở (Open RAN).
Theo ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, với một nước đi sau như Việt Nam, muốn đi trước thì phải đứng trên vai những người khác. Việc lựa chọn phát triển công nghệ mở, lựa chọn phát triển phần mềm nguồn mở, lựa chọn mở dữ liệu để các cá nhân, doanh nghiệp tham gia sáng tạo giá trị mới là định hướng. Với định hướng này, Việt Nam sẽ phát triển thành quốc gia công nghệ, dựa trên và thừa hưởng tri thức nhân loại, nhưng Việt Nam đồng thời cũng đóng góp cho tri thức nhân loại.
Sử dụng phần mềm nguồn mở trong phát triển doanh nghiệp đem đến 3 lợi thế: giảm công sức trong việc phát triển phần mềm, tăng chất lượng của dịch vụ sản phẩm và dịch vụ cung cấp đầu ra, giảm chi phí và giá thành cho sản phẩm dịch vụ đầu ra.
Đến nay, Việt Nam đã có một số văn bản tổng thể về ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở, tuy nhiên, các văn bản nhìn chung vẫn đang ở mức khuyến cáo, chưa có nguồn lực và chế tài đi kèm, nên hiệu quả vẫn còn khiêm tốn. Việt Nam muốn hưởng lợi từ việc ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở thì cần thúc đẩy cả hai mảng: xây dựng nguồn nhân lực và tạo thị trường.
Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất, để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, cần có chính sách thúc đẩy việc học tập ứng dụng, nghiên cứu phát triển phần mềm nguồn mở. Để có nguồn nhân lực biết làm phần mềm nguồn mở, cần thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào phát triển phần mềm nguồn mở. Đồng thời, để giải quyết vấn đề ứng dụng phần mềm nguồn mở trong các cơ quan nhà nước, Chính phủ cần có chính sách nhằm tạo thị trường thúc đẩy phần mềm nguồn mở.
Tại Diễn đàn, các diễn giả còn tham gia trao đổi, chia sẻ các chuyên đề về chiến lược phát triển công nghệ mở Việt Nam, các nền tảng mở cho các thiết bị thông minh, vấn đề về mạng vô tuyến 5G mở và phát triển thiết bị vô tuyến 5G; làm chủ công nghệ hạ tầng điện toán đám mây, phát triển nền tảng trí tuệ nhân tạo mở, dữ liệu mở, các nền tảng để thúc đẩy phát triển đầy đủ chuỗi giá trị sản phẩm công nghệ Make in Vietnam trong lĩnh vực internet kết nối vạn vật…/.