ĐBQH không tán thành với đề xuất “bỏ biên chế suốt đời”

GD&TĐ - Trước đề xuất “bỏ biên chế suốt đời” của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức - nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm không tán thành với đề xuất này.

Đại biểu Trần Thị Vĩnh Nghi, Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ, phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường sáng 24/10
Đại biểu Trần Thị Vĩnh Nghi, Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ, phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường sáng 24/10

Chưa có sự so sánh thuyết phục

Trước hai phương án mà Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật do Ủy ban Thường vụ Quốc hội gợi ý lựa chọn, đại biểu Trần Thị Vĩnh Nghi (đoàn TP Cần Thơ) trao đổi: Nếu chọn phương án 2 sẽ trái với Nghị quyết của Đảng về tiếp tục đổi mới tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Nếu thống nhất phương án 1 để phù hợp với Nghị quyết số 19 ban hành ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới tổ chức và quản lý nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới, trừ các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tạo động lực cho đội ngũ viên chức nâng cao chất lượng công tác, tiến tới bỏ chế độ biên chế suốt đời.

“Tuy nhiên, việc lựa chọn phương án này liệu có mâu thuẫn với Khoản 3 Điều 20 của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp này hay không, do khoản 3 Điều 20 dự thảo Bộ luật quy định: Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm một lần. Sau đó, nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn " – đại biểu Nghi đặt vấn đề.

Đại biểu cho biết, cho đến nay đại biểu chưa tiếp cận được so sánh nào mang tính thuyết phục cho rằng, việc chuyển đổi từ hình thức ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn sang loại hợp đồng có thời hạn đối với viên chức sẽ tạo thêm động lực để nâng cao hiệu quả công tác của đội ngũ này trong thời gian tới. Đó là chưa nói đến sự tác động của quy định này đến hiệu quả quản lý, điều hành cũng như hiệu quả hoạt động và tính ổn định lâu dài tại đơn vị sự nghiệp công lập.

Đại biểu Triệu Thanh Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng, phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường sáng 24/10
 Đại biểu Triệu Thanh Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng, phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường sáng 24/10

Chỉ nên ký kết hợp đồng xác định thời hạn tối đa hai lần

Đại biểu Triệu Thanh Dung (đoàn Cao Bằng) cho rằng, chỉ nên quy định viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn tối đa hai lần, rồi sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn.

Đại biểu phân tích, đối với người lao động, ý nghĩa của quy định: Không được ký hợp đồng lao động xác định thời hạn quá hai lần trong Bộ luật Lao động hiện hành, cũng như trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình kỳ họp này là nhằm bảo vệ người lao động, giúp họ ổn định công việc và được hưởng đầy đủ các chế độ của người lao động, từ đó ổn định cuộc sống, tâm huyết với công việc của mình. Bởi thế viên chức, người lao động làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập cũng cần được hưởng quy định nêu trên.

Ngoài ra, đối với đơn vị sử dụng viên chức, việc quy định không ký hợp đồng không xác định thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng mới sẽ làm giảm khả năng thu hút lao động có trình độ cao, chuyên môn nghiệp vụ giỏi vào làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập, tạo tâm lý tạm thời, khiến viên chức không hết mình với công việc.

“Như vậy, ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào viên chức cũng như chất lượng công việc của viên chức. Điều này hoàn toàn ngược lại với mong muốn của chúng ta khi sửa đổi quy định này đó là, tạo động lực làm việc cho đội ngũ viên chức khi tiến tới bỏ chế độ biên chế suốt đời” – đại biểu Dung nêu ý kiến.

Theo đại biểu, sức hút lao động của các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay là tính ổn định, được làm việc suốt đời mặc dù mức lương rất thấp. Vì vậy, nếu thay đổi quyết định như dự thảo luật sẽ làm giảm khả năng thu hút lao động, nhất là lao động có trình độ cao vào làm việc tại các đơn vị này.

Cũn theo đại biểu Dung, quy định viên chức tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn tối đa hai lần sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn sẽ đảm bảo được các yêu cầu của nghị quyết Trung ương, cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là yêu cầu về chất lượng người lao động.

Nếu người lao động không đủ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thì trong thời gian đang làm hợp đồng có thời hạn, đơn vị sử dụng lao động có thể không tiếp tục ký hợp đồng lao động, tuyển chọn lao động mới. Còn nếu người lao động có đủ năng lực, trình độ, đáp ứng được yêu cầu công việc thì nên ký hợp đồng không thời hạn để họ có thể yên tâm công tác.

Theo đại biểu Dung, quy định như dự thảo sẽ dẫn tới không công bằng khi trong cùng một đơn vị có người cùng làm một công việc nhưng có người làm hợp đồng không thời hạn, có người làm hợp đồng có thời hạn.

Vì vậy, động lực phấn đấu làm việc là không giống nhau mà điều này chúng ta đang muốn xoá bỏ khi không quy định người đứng đầu đơn vị sự nghiệp là công chức, để đảm bảo công bằng và hưởng chế độ như nhau cho những người cùng làm việc cho một đơn vị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.