(GD&TD)-Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 28/10 Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, với việc cùng tham gia thảo luận, các Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã làm rõ hơn các vấn đề đang "nóng" tại kỳ họp này.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định: "Chính phủ chủ yếu là sắp xếp, chứ việc cắt giảm vốn để thu về Trung ương là không có" |
Đó là các vấn đề: nợ công và bội chi ngân sách, cắt giảm đầu tư công, điều chỉnh mức lương và giải pháp giảm tai nạn và ùn tắc giao thông.
Báo cáo giải trình Quốc hội về một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết nợ công của Chính phủ tính đến 31/12/2010 tỷ lệ nợ nước ngoài là 42,2% đến 31/12/2012 tỷ lệ nợ này sẽ thấp hơn đáng kể.
Đáng chú ý, trong cán cân nợ công, vay thương mại chỉ chiếm 7%, còn lại 75% là vay ODA với lãi suất ưu đãi thấp và thời hạn trả nợ dài. Do vậy, Bộ trưởng lưu ý, khi so nợ công của Việt Nam với các nước khác, cần chú ý cơ cấu này, nhất là với các nước phát triển và đã thoat nghèo thì tỷ trọng vay thương mại thường chiếm khá lớn. Bộ trưởng cũng cho biết, các nước EU thường tính nợ công theo tỷ lệ giá trị đồng tiền còn Việt Nam tính theo giá trị danh nghĩa, nếu quy theo giá trị đồng tiền thì còn thấp hơn.
Kết quả sử dụng nợ công đã làm cho tăng trưởng kinh tế trong 5 năm qua đạt tỷ lệ 7,2%, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Về trả nợ vay, theo Bộ trưởng, thời gian tới, cùng với tăng cường quản lý sử dụng vay, tái cơ cấu đầu tư công các chỉ số GDP, ngoại hối, tôi cho rằng việc quản lý nợ sẽ được tốt hơn. Do đó, chúng ta không quá lạc quan nhưng cũng không nên quá lo lắng về nợ công”- Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Về việc cắt, giảm đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, Nghị quyết 11 của Chính phủ không yêu cầu thu hồi vốn đầu tư đã bố trí cho năm 2011 và thực tế đến giờ phút này, Chính phủ cũng chưa cắt một đồng nào về vốn đã bố trí. Việc cắt, giảm được thực hiện như sau: Không được kéo dài các khoản đầu tư đã cấp năm 2010; không cho phép ứng trước vốn ngân sách của năm 2011 và 2012; không cho phép khởi công mới các công trình. Nguồn vốn dôi ra từ cắt, giảm, đình, hoãn các dự án sẽ được dồn cho các dự án có thể hoàn thành trong năm 2011.
“Như vậy, Chính phủ chủ yếu là sắp xếp, chứ việc cắt giảm vốn để thu về Trung ương là không có”, Bộ trưởng khẳng định.
Theo Bộ trưởng, đến hết tháng 9, cả nước đã cắt giảm và điều chuyển 81.500 tỷ đồng, trong đó cắt, giảm từ việc không đầu tư ra được khoảng 30.000 tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cắt giảm hơn 39.000 tỷ đồng và cắt giảm chi tiêu thường xuyên 10% được 3.800 tỷ đồng.
Bộ trưởng cũng chia sẻ, việc cắt giảm đầu tư công rất khó khăn vì các dự án nằm trong kế hoạch năm 2011 đều đã được các địa phương rất vất vả chuẩn bị vào cuối năm 2010, đến tháng 2/2011 thì lại có quyết định cắt giảm, các địa phương gặp không ít khó khăn.
“Dự báo đầu tư xã hội nước ta năm nay chỉ đạt 34% GDP, giảm mạnh so với mức 42% của năm 2010”, Bộ trưởng nói.
Về chế độ tiền lương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình tiếp thu các ý kiến của các đại biểu Quốc hội góp ý cho chế độ đối với cán bộ công chức ở các phường, xã, thị trấn và chế độ đối với cán bô không chuyên trách ở các thôn, ấp.
"Căn cứ đề nghị của các địa phương, cơ sở, các đại biểu Quốc hội, Bộ nội vụ sẽ tổng hợp, báo cáo, xin ý kiến Chính phủ để có thể sửa đổi, điều chỉnh một số chế độ chính sách cho phù hợp", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Nội vụ đang chủ động phối hợp với các bộ, ngành xây dựng đề án cải cách tiền lương, BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công theo quan điểm tổng kết những gì đã và đang thực hiện để từ đó phát huy ưu điểm và khắc phục các bất cập, khiếm khuyết. Từ năm 2012-2014, Chính phủ sẽ cố gắng điều chỉnh mức lương tối thiểu cho phù hợp với thực tế, tiếp đó mới điều chỉnh quan hệ giữa mức lương tối thiểu, trung bình, tối đa và ngạch, thang, bậc lương cùng các yếu tố phụ cấp khác theo hướng đưa một số phụ cấp hiện nay vào lương mới để cân đối cho phù hợp.
Về các giải pháp giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng khẳng định, những giải pháp mà Bộ và các cơ quan liên quan đang triển khai chỉ là thực hiện các giải pháp nhằm kiềm chế, tiến tới giảm dần tai nạn và ùn tắc giao thông mà Đảng và Chính phủ đã đề ra trong các chỉ thị, nghị quyết, Bộ chưa có được sáng kiến gì mới.
Các nhóm giải pháp chủ yếu đã được đề ra về cơ bản và lâu dài gồm: hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản dưới luật; triển khai quyết liệt, đồng bộ các quy hoạch và chiến lược về GTVT đã được phê duyệt; tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và phương tiện vận tải, trong đó các dự án trọng điểm như trục bắc-nam, các trục hướng tâm, đảm bảo hài hòa giữa việc phát triển các loại phương tiện: đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường không; tổ chức lại giao thông hợp lý (phân tuyến, phân đường, phân làn)....
Theo đó, "Việc đổi giờ làm, phân làn, phân tuyến không phải là sáng kiến của Bộ, mà chúng ta đang thực hiện các nghị quyết của Chính phủ... Việc đổi giờ làm có thể gây bức xúc, ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận người dân nhưng chúng tôi mong nhận được sự chia sẻ, đồng thuận của nhân dân vì để đạt được mục tiêu lớn hơn, mỗi người cần phải hi sinh cái nhỏ. Chúng tôi mong người dân chia sẻ, thông cảm và đồng thuận để chính sách được thực hiện" Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải bày tỏ.
Theo Bộ trưởng, để giải quyết dứt điểm và có hiệu quả đối với các vấn đề tồn tại của giao thông hiện nay, cần thiết phải có sự giám sát tối cao của Quốc hội.
Minh Duy