Bộ trưởng Bộ Y tế trình Quốc hội dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi

GD&TĐ - Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, sau hơn 11 năm triển khai thì Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV.

Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày tờ trình dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trước Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, về đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề: Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định cấp chứng chỉ hành nghề theo đối tượng và văn bằng chuyên môn.

Việc quy định cấp chứng chỉ hành nghề theo đối tượng và văn bằng chuyên môn gây khó khăn cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình tổ chức thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và thanh quyết toán bảo hiểm y tế vì trên thực tế không có sự thống nhất giữa cách ghi ngành đào tạo trong văn bằng chuyên môn, một số văn bằng chuyên môn ghi ngành đào tạo không có trong đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật nhưng vẫn đang làm việc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và là đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề, ví dụ: Cử nhân sinh học làm kỹ thuật viên xét nghiệm.

Một số đối tượng, chức danh chuyên môn làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc làm công việc chuyên môn tham gia trực tiếp vào quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, ví dụ như cử nhân dinh dưỡng, cử nhân tâm lý trị liệu. Một số đối tượng hiện nay có trình độ đào tạo không còn phù hợp trong hệ thống chức danh nghề nghiệp y tế như đối tượng y sỹ...

Về điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề, Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề dựa trên văn bằng chuyên môn của người đề nghị cấp nên không đánh giá được thực chất năng lực người hành nghề, chất lượng đào tạo. Đa số các nước trên thế giới đều cấp giấy phép hành nghề dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay việc sử dụng ngôn ngữ của người hành nghề là người nước ngoài, trong đó cho phép người nước ngoài sử dụng phiên dịch còn nhiều bất cập như: Hạn chế trong việc khai thác tiền sử bệnh tật, tình trạng sức khỏe, các dấu hiệu lâm sàng, việc ghi chép hồ sơ bệnh án, kê đơn… do tình trạng bất đồng ngôn ngữ giữa người hành nghề, người phiên dịch và người bệnh; tình trạng người phiên dịch không làm việc sau khi người nước ngoài đã được cấp chứng chỉ hành nghề; tình trạng người phiên dịch lợi dụng vị trí để hành nghề trái phép.

Bên cạnh đó, việc sử dụng người phiên dịch cũng tạo ra bất cập trong việc xác định trách nhiệm pháp lý khi xảy ra sự cố y khoa do khó có thể xác định nguyên nhân gây ra sự cố do chỉ định của người hành nghề hay lỗi tại người phiên dịch...

Về thời hạn giá trị của chứng chỉ hành nghề: Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 không quy định thời hạn giá trị của chứng chỉ hành nghề (chứng chỉ hành nghề có giá trị vĩnh viễn). Việc quy định như trên gây khó khăn trong việc theo dõi, giám sát quản lý chất lượng hành nghề khi chuẩn hóa các điều kiện chuyên môn, cập nhật kiến thức y khoa liên tục và quá trình hành nghề của người hành nghề. Bên cạnh đó, quy định này cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế (các nước trên thế giới đều quy định giấy phép hành nghề có thời hạn) gây khó khăn cho việc hội nhập của y tế Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới về khám bệnh, chữa bệnh.

Về hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định các hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa bao phủ hết các loại hình tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã tồn tại trong thực tế hoặc mới phát sinh.

Về quản lý chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh: Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 chưa có giải pháp nhằm quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dẫn đến tình trạng thiếu sự liên thông trong theo dõi sức khỏe, tình trạng bệnh tật của người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, một số nội dung liên quan đến chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh như: Khám bệnh, chữa bệnh từ xa; điều trị nội trú ban ngày; phục hồi chức năng; khám sức khỏe; khám giám định; chăm sóc người bệnh; dinh dưỡng lâm sàng; cấp cứu ngoại viện, phòng ngừa sự cố y khoa... chưa được quy định trong luật để bảo đảm cơ sở pháp lý để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và tổ chức triển khai thực hiện…

Đặc biệt, một số quy định không còn thực sự phù hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan như quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, nguồn tài chính,.. hoặc chưa có quy định như phân cấp hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết 20-NQ/TW…

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh để khắc phục những hạn chế, bất cập, trên cơ sở các chính sách đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Bộ Y tế đã xây dựng nội dung dự án luật theo hướng "lấy người bệnh làm trung tâm" thông qua việc quy định. Đồng thời các giải pháp về nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh…

Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, theo ông Long, dự luật thay đổi từ cách tiếp cận giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm các nhóm yếu tố chi phí trực tiếp, tiền lương, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định sang cách tiếp cận giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm các yếu tố phát sinh như thuốc, sinh phẩm, hóa chất, vật tư y tế, trang thiết bị y tế và các hàng hóa khác, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do các cơ sở và người hành nghề đủ điều kiện theo quy định của pháp luật cung cấp và các chi phí khác...

Trình bày báo cáo thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay về thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hành nghề đang có ý kiến khác nhau theo tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội tán thành phương án Hội đồng y khoa quốc gia thực hiện việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người đề nghị cấp giấy phép hành nghề và các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, sở y tế) căn cứ kết quả kiểm tra đánh giá cũng như các điều kiện khác để cấp phép hành nghề. Bởi lẽ, quy định như vậy là phù hợp, đảm bảo tính khả thi trong bối cảnh hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.