Bộ trưởng Bộ Y tế giải thích lý do Hà Nội xét nghiệm Covid-19 toàn dân

GD&TĐ - Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Hà Nội đang thực hiện “2 mũi giáp công” quan trọng trong phòng, chống dịch là đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng và "thần tốc" xét nghiệm tầm soát diện rộng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Liên quan đến việc Hà Nội tổ chức xét nghiệm tầm soát trên diện rộng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian vừa qua, Hà Nội liên tục phát hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng, không rõ nguồn lây. Vì vậy, không có cách nào khác để ngăn chặn, phát hiện sớm nguồn lây nhiễm ngoài việc xét nghiệm.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Hà Nội đang thực hiện “2 mũi giáp công” quan trọng trong phòng, chống dịch là đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng và "thần tốc" xét nghiệm tầm soát diện rộng.

"Để giảm thời gian giãn cách, phải phát hiện bằng được, tầm soát bằng được các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng để cách ly, khoanh vùng, dập dịch triệt để. Từ đó, nới lỏng dần việc giãn cách, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Do đó, vấn đề xét nghiệm rất quan trọng", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng đã chia sẻ bài học kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là Trung Quốc, công tác xét nghiệm rất nhanh, nhiều vòng. Ở nước ta, công tác chống dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Cần Thơ, Quận 7 và huyện Củ Chi của TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa… cũng là những bài học thực tiễn về mặt khoa học trong thực hiện xét nghiệm, bảo đảm tách toàn bộ F0 ra khỏi cộng đồng, không để dịch bệnh lây lan rộng.

Để ngăn chặn dịch lây lan thì bắt buộc phải thông qua xét nghiệm

Trước một số ý kiến cho rằng, Hà Nội thực hiện xét nghiệm toàn dân sẽ gây lãng phí, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, chúng ta cần phải khẳng định, muốn phát hiện tất cả nguồn lây nhiễm trong cộng đồng để ngăn chặn dịch lây lan thì bắt buộc phải thông qua xét nghiệm.

"Nếu chúng ta không làm điều đó, có nghĩa là chúng ta chấp nhận trong cộng đồng có người lây nhiễm”, Bộ trưởng khẳng định.

Phương pháp xét nghiệm mà Bộ Y tế đang hướng dẫn các địa phương là gộp mẫu (có thể gộp từ 5-10 mẫu). Thực hiện xét nghiệm nhiều lần tại các “vùng đỏ” nhưng đối với “vùng xanh”, phải làm xét nghiệm để biết không có mầm bệnh, từ đó đưa cuộc sống trở lại bình thường. 

Đây cũng chính là lý do mà Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 coi công tác xét nghiệm là vấn đề then chốt để phòng, chống dịch.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhân lực y tế tại hơn 10 tỉnh, thành phố đã được tăng cường hỗ trợ cho Hà Nội. Bộ Y tế cũng đã điều động nhân lực từ các bệnh viện Trung ương, các trường đại học trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo các phòng xét nghiệm của Bộ huy động tối đa nhân lực để phục vụ công tác này. 

Cùng với đó, Bộ Y tế đề nghị TP. Hà Nội tập huấn cho người dân để người dân có thể tự lấy mẫu xét nghiệm dưới sự giám sát của nhân viên y tế và lực lượng tình nguyện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.