(GD&TD)-Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định: lạm phát do yếu tố tiền tệ, do chi tiêu công không hiệu quả hoặc nới lỏng chi tiêu công…Chính phủ chưa bao giờ in thêm tiền để trả lương cho người lao động, do đó bản chất của việc tăng lương không gắn với lạm phát.
Bộ trưởng Bộ Tài chính:Bản chất việc tăng lương không gắn với lạm phát |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã thẳng thắn trả lời câu hỏi của một công chức trong buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng TTĐT Chính phủ diễn ra chiều 17/1 về vấn đề tiền lương và lạm phát.
Theo đó, trước ý kiến mỗi lần tăng lương là một lần các mặt hàng tiêu dùng ào ạt tăng giá, như vậy việc tăng lương không những không mang lại ý nghĩa đích thực là cải thiện đời sống cho những công chức, viên chức mà còn tạo cơ hội cho lạm phát tăng cao, Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Đây là câu hỏi khó và sâu, cũng là trăn trở của các cơ quan quản lý, của Chính phủ và Bộ Tài chính. Chúng ta mong muốn tăng thu nhập thực tế, chứ không phải tiền lương danh nghĩa, lương tăng 1 mà giá cả tăng 1,5 hoặc 2 lần thì không có ý nghĩa gì.
Một là, nguồn tăng lương hàng năm của chúng ta hoàn toàn dựa vào tăng thu ngân sách Nhà nước. Ví dụ, tất cả các bộ, ngành địa phương đều phải dành 50% số vượt thu hàng năm để làm công tác cải cách tiền lương, địa phương nào thừa phải nộp cho Trung ương, thiếu thì được hỗ trợ. Chính phủ chưa bao giờ in thêm tiền để trả lương cho người lao động, do đó bản chất của việc tăng lương không gắn với vấn đề tiền tệ, về cung tiền, nên không gắn với lạm phát. Tôi xin khẳng định như vậy.
Lạm phát do yếu tố tiền tệ, do chi tiêu công không hiệu quả hoặc nới lỏng chi tiêu công… Chính phủ và các cơ quan hữu quan đang xây dựng đề án tiền lương để trình Hội nghị Trung ương 5, điều quan trọng nhất vẫn là nguồn thu từ đâu. Chúng ta đang nỗ lực cơ cấu lại chi tiêu ngân sách, tăng thu ngân sách để tăng lương. Tôi khẳng định lại việc tăng tiền lương không liên quan đến cung tiền, không trực tiếp làm gia tăng lạm phát.
Tuy nhiên, vấn đề này có 2 ý. Một là đối với khu vực sản xuất, khi tiền lương tăng, giá thành và chi phí đẩy sẽ tăng lên, tác động một phần tới giá bán. Thứ hai, việc tăng lương làm quỹ tiêu dùng xã hội tăng lên, tổng cầu tăng lên. Như vậy, biện pháp quan trọng nhất là khi tăng lương phải tăng năng suất lao động xã hội tương ứng, để đảm bảo cân đối tiền - hàng, sẽ không xảy ra hiện tượng chi phí đẩy hay lạm phát… Tức là tiền lương tăng lên nhưng giá thành, giá bán đơn vị sản phẩm không thay đổi và chúng ta phải nỗ lực đi theo hướng này.
Và theo tôi, yếu tố tâm lý hết sức quan trọng. Nếu chúng ta minh bạch chích sách, giải thích kỹ, tăng lương sẽ không gây ra tâm lý “té nước theo mưa”. Trong tháng 10/2011, chúng ta điều chỉnh lương tối thiểu cho khu vực sản xuất, nhưng tháng 8, 9, 10, 11, chỉ số CPI vẫn tiếp tục giảm nhờ chúng ta làm tốt công tác truyền thông. Từ ngày 1/5 này, mức lương cơ bản với cán bộ, công chức, người nghỉ hưu, người có công tăng từ 830.000 đồng lên 1.000.050 đồng. Phụ cấp công vụ sẽ tăng từ 10% lên 25%. Chúng ta sẽ phải tiếp tục tuyên truyền, giải thích rõ với đông đảo người dân, để họ thấy rằng việc tăng lương không trực tiếp ảnh hưởng đến các yếu tố về cung tiền, đến lạm phát. Nếu chúng ta làm tốt, tôi nghĩ rằng yếu tố lạm phát kỳ vọng sẽ được kiềm chế, lạm phát thực tế sẽ không đi trước hay song hành với việc tăng lương.
Trong năm tới đây, nếu tăng lương như vậy mà vẫn kiềm chế lạm phát ở mức dưới một con số, có thể nói chúng ta đã thành công. Tuy nhiên, đây cũng là một nhiệm vụ rất gian khổ, khó khăn. Chúng tôi rất mong các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành với Chính phủ, với Bộ Tài chính, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để người dân vững tin vào sự điều hành của Chính phủ, không tạo ra những cơn sốt giá hoặc giá chạy trước lương, khiến chính sách tiền lương không đạt được tác dụng như mong muốn.
Xuân Hương