Bộ tem Chiến thắng Bạch Đằng (1288): Hùng khí “Sát thát” – thông điệp bản hùng ca

Bộ tem Chiến thắng Bạch Đằng (1288): Hùng khí “Sát thát” – thông điệp bản hùng ca

Thông điệp đa chiều

Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 của quân dân Đại Việt dưới sự chỉ huy của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, cùng với Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông, đã tiêu diệt, bắt sống toàn bộ đạo binh thuyền hùng mạnh. 

Đội binh thuyền này gồm 600 chiến thuyền với 40 nghìn quân xâm lược Mông - Nguyên do Ô Mã Nhi chỉ huy. Nó như một chiến công huyền thoại trong lịch sử chống ngoại xâm, là minh chứng hùng hồn về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.

Nhằm ôn lại một trong những trang sử hào hùng của dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ ngày 18/7 vừa qua, lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ phát hành bộ tem bưu chính ở cấp huyện tại thị xã Quảng Yên.

Bộ tem "Chiến thắng Bạch Đằng (1288)" tái hiện lại quang cảnh trận chiến trên sông Bạch Đằng lịch sử với hùng khí "Sát thát" của thế trận toàn dân. 

Bối cảnh là khi thủy triều rút tại cửa sông Bạch Đằng, hình ảnh hàng loạt tàu của quân Nguyên - Mông bị cọc gỗ đâm thủng chìm dần trong biển lửa. Các cánh quân của vua tôi nhà Trần trong tiếng trống trận dũng mãnh tiến công. Tàu giặc bị đâm thủng, đốt cháy. Quân địch bị tiêu diệt, hoảng loạn. 

Bộ tem cũng khắc họa rõ hình tượng người chỉ huy trận chiến, cưỡi ngựa cùng quân dân đánh đuổi quân Nguyên – Mông.

Bộ tem gồm 1 mẫu do họa sĩ Nguyễn Du (thuộc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế tràn lề, khuôn khổ 54 x 37 (mm), tông màu nóng thể hiện khí thế hừng hực của các cánh quân trong trận thủy chiến lớn nhất lịch sử Việt Nam. 

Bộ tem được cung ứng trên mạng Bưu chính công cộng từ ngày 18/7 đến 30/6/2022, giá 4.000 đồng.

Bộ tem được người dân hào hứng đón nhận. Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên có sở thích chơi tem từ nhỏ. Bản thân chị Hiền tự sưu tầm nhiều con tem, đặc biệt là những bộ tem về Quảng Ninh. Khi biết tin bộ tem "Chiến thắng Bạch Đằng (1288)" chị Hiền và con gái đã tìm hiểu và tới xem. Chính tên gọi của bộ tem đã thể hiện niềm tự hào dân tộc trong chiến trận oai hùng của cha ông xưa.

Thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh tự hào có Khu di tích Quốc gia đặc biệt gồm 11 điểm di tích lưu giữ những chứng tích lịch sử trận chiến Bạch Đằng 1288. 

Tại buổi lễ ra mắt bộ tem, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên lễ phát hành tem đặc biệt được tổ chức tại một đơn vị hành chính cấp huyện, cũng là lần đầu tiên được tổ chức tại Quảng Ninh kể từ năm 1945. 

Với ngôn ngữ riêng, hàm chứa nhiều ý nghĩa, nhiều thông tin, hy vọng bộ tem sẽ là một thông điệp đa chiều, góp phần giới thiệu, quảng bá và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn thể nhân dân trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của khu di tích lịch sử Bạch Đằng.

Bộ tem Chiến thắng Bạch Đằng (1288): Hùng khí “Sát thát” – thông điệp bản hùng ca ảnh 1

Vang mãi bản hùng ca

Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh, trước đó, từ năm 1958 đến năm 2019, Bưu chính Việt Nam đã phát hành 15 bộ tem về tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, bộ tem "Kỷ niệm 700 năm chiến thắng giặc Nguyên Mông (1288 - 1988)" được phát hành ngày 9/4/1988. Bộ tem gồm 2 mẫu. Mẫu 1 phác họa đoàn quân chiến thắng trở về. Mẫu 2 phác họa trận thủy chiến Bạch Đằng. Bộ tem do họa sĩ Trần Lương thiết kế.

Lễ phát hành bộ tem "Chiến thắng Bạch Đằng (1288)" được tổ chức tại Quảng Yên là một điểm nhấn quan trọng góp phần giới thiệu, quảng bá những giá trị to lớn của khu di tích lịch sử Bạch Đằng tới nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng gồm 11 điểm di tích: Bãi cọc Yên Giang, Bãi cọc Đồng Vạn Muối, Bãi cọc Đồng Má Ngựa, Bến đò Rừng, đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, đình Yên Giang, đình Trung Bản, đền Trung Cốc thuộc thị xã Quảng Yên và 2 điểm di tích đình Đền Công, miếu Cu Linh - Cây Giêng thuộc thành phố Uông Bí.

Các truyền thuyết, thần tích, thần phả, văn bia, câu đối, đại tự... cùng với Lễ hội truyền thống Bạch Đằng hiện đang được bảo tồn, gìn giữ là những bằng chứng văn hóa vật thể và phi vật thể chân thực, khoa học nhất cho sự kiện chiến thắng Bạch Đằng. Đó là trận thủy chiến mà dân tộc Việt Nam đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ gần 600 chiến thuyền và hơn 4 vạn quân Nguyên Mông xâm lược chỉ trong một ngày mùng 8 tháng Ba năm Mậu Tý 1288.

Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh khẳng định, khúc tráng ca Bạch Đằng giang huyền thoại mãi mãi là điểm tựa của dân tộc ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là bài học lịch sử lớn về việc biết dựa vào sức dân, lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh trong việc gìn giữ biển đảo của đất nước hôm nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Dịch vụ In pp ngoài trờiDịch vụ In decal pp chất lượngBáo Giá in decal dán