(GD&TĐ-Sau khi gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về chính sách thuế trị giá 29.000 tỉ đồng được Chính phủ công bố, Bộ Tài chính khẳng định: Chắc chắn với các giải pháp này, tất cả các doanh nghiệp đều nhận được hỗ trợ.
Chính phủ sẽ đẩy mạnh đầu tư công, đầu tư các dự án CSHT nhằm nâng tổng cầu đối với các ngành tồn kho nhiều như xi măng, sắt thép |
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng: Ngoài việc hỗ trợ chính sách thuế, Chính phủ sẽ đẩy mạnh đầu tư công, đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng nhằm nâng tổng cầu đối với các ngành tồn kho nhiều như xi măng, sắt thép. Ví dụ như các dự án kiên cố hóa kênh mương, xây dựng sửa chữa nâng cấp các trạm bơm vừa tăng đầu tư nông nghiệp nông thôn, vừa giúp giải phóng lượng tồn kho nhiều doanh nghiệp
Bộ Tài chính cũng yêu cầu Kho bạc Nhà nước đẩy mạnh việc giải ngân cho các dự án, cũng như thực hiện giải ngân nguồn vốn được chuyển từ 2011 sang năm 2012 theo Quyết định của Thủ tướng.
Các biện pháp giảm, giãn và hoãn thuế giúp giảm áp lực thực hiện các nghĩa vụ thuế cho doanh nghiệp. Ước tính các biên pháp này sẽ giúp các doanh nghiệp có 16.000 tỷ đồng thanh khoản.
Chính phủ cho biết, theo số liệu tạm tính của 63 địa phương thì năm 2011, tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa được giảm thuế là 168.000, với tổng số thuế đã giảm là 3.500 tỷ đồng. Tổng số doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động được giảm thuế là 480 doanh nghiệp, với tổng số thuế được giảm khoảng 550 tỷ đồng. |
Theo khảo sát, các doanh nghiệp phải giải thể, phá sản hầu hết là các doanh nghiệp mới thành lập 1-2 năm, hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng. Vì vậy việc các doanh nghiệp phá sản, giải thể cũng là biện pháp thanh lọc của thị trường.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, trong tháng 5, Bộ Tài chính sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể và tập huấn cho các cán bộ thuế. Thông tin sẽ được đăng tải trên cổng thông tin Chính phủ và Bộ Tài chính. Doanh nghiệp có thể vào để biết mình có thuộc diện được hỗ trợ hay không.
Việc cứu doanh nghiệp là cấp thiết nên sẽ được khẩn trương triển khai, các cán bộ nào trong thời gian này mà có hành vi gây khó dễ cho doanh nghiệp, hay tiêu cực sẽ bị xử lý nghiêm.
Song song với chính sách về thuế, NHNN đã có biện pháp mạnh khi yêu cầu các NH, TCTD giảm lãi suất cho vay đối với DN. Theo đó, áp dụng trần lãi suất cho vay là 15%. Tuy nhiên, để tiếp cận với những gói sản phẩm với lãi suất thấp của các ngân hàng thương mại, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, điều quan trọng nhất vẫn là năng lực tài chính của doanh nghiệp. Khi tình hình tài chính không lành mạnh thì rất khó tiếp xúc.
Các giải pháp đưa ra đều hướng tới mục tiêu giảm thiểu đến mức thấp nhất khó khăn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo Thống đốc NHNN, mục tiêu này cũng “không bao giờ xa lệch khỏi mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô”.
Do đó, giai đoạn này là giai đoạn “thử thách”, “thanh lọc” doanh nghiệp. Với những doanh nghiệp lành mạnh, có đủ sức sống vươn lên, sẽ được ngân hàng hỗ trợ. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp yếu kém, thì phải “chấp nhận đào thải” để phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế.
Xuân Hương