Bỏ quy định chỉ định thầu để phòng ngừa tham nhũng

GD&TĐ - Tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong đấu thầu, chỉ định thầu đã được đề cập nhiều trên các diễn đàn nhưng chủ yếu là sai phạm về thông thầu, xét thầu, đấu thầu không đúng quy định...

Bỏ quy định chỉ định thầu để phòng ngừa tham nhũng

Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề là quy định về chỉ định thầu. Đây là nguyên nhân chủ yếu, tạo điều kiện, kẽ hở cho tham nhũng, tiêu cực có cơ hội sinh sôi, nảy nở.

Theo quy định của Luật Đấu thầu thì chỉ định thầu được thực hiện đối với những công việc đặc thù, đặc biệt như khắc phục sự cố thiên tai bất khả kháng, chống dịch, bảo vệ chủ quyền quốc gia, biên giới quốc gia, hải đảo, gói thầu quy mô nhỏ... Điều đáng nói đến ở đây là trường hợp các gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, gói thầu có quy mô nhỏ được phép chỉ định thầu (tại điểm e khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu).

Hiện nay, việc xác định gói thầu có quy mô lớn hay nhỏ là căn cứ vào giá trị gói thầu lớn hay nhỏ. Trên thực tế để được chỉ định thầu thì các chủ đầu tư thường lách luật khi chia nhỏ gói thầu lớn thành nhiều gói thầu khác nhau để được chỉ định thầu. Mặt khác, do có quyền được chỉ định thầu nên chủ đầu tư sẽ lựa chọn các nhà thầu mang lại lợi ích tốt nhất cho mình mà thường bỏ qua tiêu chí, điều kiện, năng lực nhà thầu, miễn sao không vi phạm về chỉ định thầu là được.

Từ đó có thể thấy những hạn chế, bất cập tạo ra kẽ hở và vô tình tiếp tay, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức thoái hóa biến chất hoặc người được Nhà nước giao quyền cấu kết, bắt tay với tư nhân hoặc doanh nghiệp “sân sau” đục khoét, rút ruột ngân sách Nhà nước một cách dễ dàng, hợp pháp!

Vì vậy, để hạn chế tối đa tình trạng thất thoát, lãng phí và tham nhũng, tiêu cực do việc chỉ định thầu gây ra, các cơ quan chức năng cần bỏ quy định được chỉ định thầu ở những gói thầu có quy mô nhỏ tại điểm e khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu. Theo đó, trừ một số trường hợp đặc biệt liên quan đến khắc phục thiên tai, phòng chống dịch bệnh và quốc phòng, an ninh thì tất cả các trường hợp còn lại bắt buộc phải thông qua đấu thầu không phân biệt quy mô gói thầu lớn hay nhỏ.

Điều này sẽ góp phần hạn chế tình trạng lợi dụng quy định về chỉ định thầu để trục lợi gây thiệt hại cho Nhà nước hoặc cố tình chia nhỏ các gói thầu nhằm tiêu cực, tham nhũng và ảnh hưởng đến chất lượng các công trình xây dựng, dịch vụ sản phẩm...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ