Bộ Ngoại giao lên tiếng vụ 33 người Việt Nam bị bắt tại Hàn Quốc

GD&TĐ - Theo bà Lê Thị Thu Hằng - người phát ngôn Bộ Ngoại giao, trong số 33 du học sinh người Việt Nam bị bắt tại Hàn Quốc có 4 người đã nhập quốc tịch nước này, còn lại là công dân Việt Nam trong tình trạng cư trú bất hợp pháp.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều 7/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời báo giới về thông tin liên quan tới vụ việc cảnh sát Hàn Quốc bắt giữ 33 du học sinh Việt Nam vì tổ chức sử dụng ma túy trong quán hát.

Theo người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng, ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã khẩn trương liên hệ với cơ quan cảnh sát quốc gia Hàn Quốc để xác minh thông tin và đề nghị phía Hàn Quốc đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam.

“Thông tin ban đầu chúng tôi được biết, có 33 người, trong đó có 4 người đã nhập quốc tịch Hàn Quốc, còn lại là công dân Việt Nam và trong tình trạng cư trú bất hợp pháp" - bà Hằng cho biết.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng thông tin thêm, hiện những công dân này đang bị Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Hàn Quốc tạm giữ và làm thủ tục để trục xuất về nước.

Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc tiếp tục theo dõi sát sự việc, thường xuyên trao đổi, liên hệ với các cơ quan chức năng Hàn Quốc để có thể cập nhật thông tin, phối hợp triển khai các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết, theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật sở tại.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng lưu ý, những năm gần đây, số lượng người Việt Nam làm việc, học tập và du lịch ở nước ngoài ngày càng tăng. Đại đa số đều tuân thủ nghiêm túc pháp luật sở tại, góp phần xây dựng hình ảnh tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có một số ít người Việt Nam vi phạm pháp luật sở tại khi ở nước ngoài.

Bộ Ngoại giao cũng như các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài luôn luôn duy trì đường dây nóng bảo hộ công dân, giữ liên lạc chặt chẽ với cơ quan chức năng sở tại, cũng như phối hợp với cơ quan liên quan trong nước để thực hiện biện pháp bảo hộ công dân khi cần thiết.

Bộ Ngoại giao đã đề nghị và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong nước để có nhiều biện pháp xử lý, giải quyết vấn đề này như tăng cường rà soát, xử lý vi phạm, đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức của công dân về pháp luật, phong tục nước sở tại.

Bộ Ngoại giao cũng khuyến cáo công dân khi đi nước ngoài tránh bị lợi dụng hay vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật sở tại.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định, việc khuyến cáo, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân rất cần tới sự vào cuộc của các cơ quan báo chí.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.