Bố mẹ Trung Quốc đổ xô gửi con đi học nước ngoài để khoe giàu

GD&TĐ - Bấn loạn khi thấy tất cả bạn cùng lớp 6 của con đều đã đi nước ngoài, bà mẹ cắn răng chi 3 tháng lương để con đến Anh. 

Bố mẹ Trung Quốc đổ xô gửi con đi học nước ngoài để khoe giàu

Theo Qianjiang Evening News, câu chuyện về người phụ nữ chi tới 30.000 nhân dân tệ (gần 102 triệu đồng) để con đi tour này gợi nhớ tới bài viết lan truyền trên mạng xã hội năm ngoái. Trong bài đó, một người mẹ khác phàn nàn rằng "lương tháng 30.000 nhân dân tệ không đủ cho con tôi có kỳ nghỉ hè". Chị này kể đã chi 35.000 nhân dân tệ cho "trại hè giáo dục" ở Mỹ của con. 

Cho con học tập ngắn hạn ở nước ngoài là mốt của các gia đình thành thị giàu có Trung Quốc từ năm 2007, nhưng sau một thập kỷ, nó lây lan nhanh chóng và trở thành trào lưu ở cả những nhà trung lưu. 

New Oriental, một trong những công ty giáo dục lớn nhất Trung Quốc, cho biết, các chuyến tham quan học tập ở nước ngoài thường đắt đỏ và chi phí cụ thể tùy từng điểm đến. Chuyến đi tới những điểm thu hút nhất - các nước nói tiếng Anh, như Mỹ, thường tốn 40.000 tới 60.000 nhân dân tệ, bao gồm tiền vé máy bay, ăn ở, học phí... Các nơi ít nổi khác ở châu Á thường có mức giá từ 10.000 tới 30.000 nhân dân tệ. 

Một nhóm học sinh Trung Quốc bên ngoài cổng Đại học Harvard, Mỹ. Ảnh: Sinosphere.

Một nhóm học sinh Trung Quốc bên ngoài cổng Đại học Harvard, Mỹ.

Theo thống kê về bảo hiểm xã hội và nguồn nhân lực thành phố Thượng Hải, lương trung bình của người dân ở đây năm 2017 là 7.132 nhân dân tệ/tháng. Điều này có nghĩa là nhiều cha mẹ phải tiết kiệm nhiều tháng mới đủ tiền cho con đi tour hè. Tuy nhiên, ngày càng nhiều phụ huynh chi đậm chỉ để chắc chắn rằng con mình không bị thua kém bạn bè trong lớp. 

Học tập ở nước ngoài cũng trở thành một biểu tượng của đẳng cấp xã hội. Cha mẹ đăng những bức ảnh con cái ở hải ngoại trên WeChat để khoe khoang sự giàu có, khác biệt của mình so với những nhà thu nhập thấp và có lẽ, quan trọng hơn, để tránh trở thành mục tiêu bị mỉa mai. 

Những đứa trẻ vô tình cũng tham gia vào cuộc đua này của cha mẹ. Một nhà báo trang Shine kể cô từng sốc nặng khi đi cùng chuyến bay từ London về Thượng Hải hè 2017 với một nhóm trẻ đi trại hè về. Chúng giễu cợt và cười hô hố trước những thứ khác biệt quanh mình. Một cậu bé còn khoe khoang đã đi 40 nước và hãnh diện khoe dấu visa trên hộ chiếu. Một cậu nhóc khác tỉnh bơ kể chiếc đồng hồ mình đã bỏ quên ở phòng khách sạn trị giá gần 6.000 nhân dân tệ, cậu thậm chí chẳng buồn quay lại lấy để mang về Trung Quốc.

Vậy điều mà tất cả đám trẻ này học được từ tour tới Cambridge và Oxford là gì? Cha mẹ liệu có thất vọng không khi chi cả núi tiền rồi thấy con ấp úng khi được hỏi điều chúng thu nhận được từ những chuyến đi như thế? 

Năm 2014, một người mẹ kể với Legal Daily rằng chị đã bị lừa khi tin theo một quảng cáo và cho con tham gia tour gặp gỡ với giáo sư nổi tiếng từ một trường đại học danh giá. 

Tuy nhiên, thay vì được tham gia vào cuộc gặp đó, con gái chị kể cô bé ở một ngôi trường bình thường trong 2 ngày và có một buổi trò chuyện chớp nhoáng với một giáo viên nước ngoài. Ngôi trường đó thậm chí không có tên trong danh sách 100 đại học hàng đầu ở Mỹ. 

Theo Xinhuanet, năm 2017, trong một tour đến Mỹ, người ta còn đưa trẻ tới Las Vegas, trung tâm cờ bạc của thế giới.

Một số phụ huynh và các đơn vị tổ chức tour thừa nhận một chương trình 2 tuần khó hy vọng nâng cao khả năng thành thạo tiếng Anh, nhất là khi trong lịch trình kín mít, một phần không nhỏ là tới các công viên giải trí và trung tâm thương mại. 

Bị sức ép từ bạn bè, nhiều cha mẹ vẫn hối hả đăng ký cho con tham gia vào các tour kiểu này. Họ tự huyễn hoặc rằng mình và con cái đang bước lên đẳng cấp cao thông qua những chuyến đi nước ngoài, dù những đứa trẻ có thể không nhận thức được điều gì khiến các ngôi trường chúng đến thăm lại đặc biệt và nổi tiếng như vậy. 

Có lẽ, các bố mẹ thay vì mù quáng gửi con ra nước ngoài, hãy tạm dừng và nhìn lại xem mục đích thực sự của những chuyến đi đó là gì, liệu là vì định hướng giáo dục, mong muốn truyền cảm hứng học tập cho trẻ hay chỉ để có hư danh?

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.