Bố mẹ nên làm gì để không trở thành "quan tòa bất đắc dĩ"?

GD&TĐ - Thông thường, trong gia đình có những đứa trẻ gần tuổi nhau thì bố mẹ sẽ phải sắm vai quan tòa bất đắc dĩ để xử lý những “kiện cáo”.

Đồ chơi chính là món đồ ưa thích của trẻ. Ảnh minh họa: Thế Đại.
Đồ chơi chính là món đồ ưa thích của trẻ. Ảnh minh họa: Thế Đại.

Muốn “bỏ vai quan tòa”, cha mẹ cần rèn cho trẻ trong gia đình biết yêu thương, nhường nhịn, chân thành và tôn trọng từ tấm bé.

Xung đột anh chị em gần tuổi

Chị Phạm Mai Hà (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ chuyện về hai cậu con trai hơn nhau 3 tuổi của mình. Hai anh em chơi với nhau khá hoà thuận nhưng hễ bố mẹ mua đồ chơi gì về, em đều đòi chọn trước, xong mới bỏ cái còn lại cho anh.

Tivi em cũng giành mở, bánh trái mua về, em sẵn sàng xô ngã anh để được miếng lớn hơn. Khi đó, anh trai giận giữ mặt đỏ gay. Hai anh em lao vào đánh nhau, hét ầm nhà.

Chị Hà cho biết, chị thường quay sang mắng anh và yêu cầu anh nhường nhịn em. Lâu dần, hai anh em trở nên xích mích nặng hơn bởi đứa thì quen thói được ưu tiên, đứa thì ấm ức do bị “xử ép”.

Theo chuyên gia tâm lý giáo dục, TS Nguyễn Thị Thanh - Giảng viên Trường Cao đẳng Mẫu giáo Trung ương, anh chị em gần tuổi nhau thường dễ chơi với nhau.

Nhưng chúng cũng dễ xung đột hơn do anh chị không đủ lớn hơn hẳn để có uy với đứa em hay do em được bố mẹ bênh vực. Khi hai đứa trẻ chơi với nhau, nếu có xảy ra xung đột thì đứa lớn luôn bị la mắng, nhắc nhở, thậm chí bị ăn đòn vì tội không nhường nhịn em.

Đây là câu chuyện thường ngày ở nhiều gia đình. Hầu hết, bố mẹ đều bênh vực đứa con nhỏ hơn khi có xung đột xảy ra. Ít phụ huynh tìm hiểu kỹ nguyên nhân xung đột giữa các con. Và cách xử lý của cha mẹ sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tình cảm giữa anh chị em trong nhà. Các con sẽ không phục cách xử lý của người lớn, làm nảy sinh tâm lý đố kị và anh chị em có ác cảm với nhau.

Vì thế, khi các con xảy ra xung đột, cha mẹ phải tìm hiểu nguyên nhân, phân xử công bằng.

Theo Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Thị Bình - Coach Bình An (Trung tâm Thiếu nhi Hà Đông), anh chị em gần tuổi nhau trong gia đình thường hay xảy ra các xung đột do trẻ chưa hiểu được ý nghĩa của nhường nhịn và chia sẻ. Bởi vậy, anh chị em trong gia đình sẽ rất dễ bất hòa nhau. Hệ luỵ, người thiệt thòi nhất chính là các con và cha mẹ không thể an lòng.

Không biết nhường nhìn anh chị em trong nhà khiến trẻ dễ trở nên cô độc. Bạn bè con sẽ không có bạn nào muốn chơi với một người không biết nhường nhịn. Và càng lớn, con dễ bị cô lập trong lớp, đội, nhóm. 

Biểu cảm của con trẻ của hành động của người lớn. Ảnh: Đại Quang.

Biểu cảm của con trẻ của hành động của người lớn. Ảnh: Đại Quang.

Đừng lợi dụng sự dễ tính

Như một mặc định, cha mẹ thường yêu cầu con lớn phải nhường nhịn em nhỏ. Biết nhường nhịn là một đức tính tốt vì điều này là một trong những yếu tố quan trọng để hình thành nhân cách trẻ sau này.

Tuy nhiên, Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Thị Bình cho rằng, trước khi dạy con biết nhường nhịn, cha mẹ hãy dạy con một nguyên tắc đơn giản và dễ thực hiện với tâm lý của con hơn, đó là biết kiên nhẫn chờ đến lượt mình.

Cha mẹ có thể uốn nắn con một cách nhẹ nhàng, làm gương cho con, chỉnh cho con khi con làm chưa đúng. Trong một tình huống cha mẹ cũng nên cương quyết yêu cầu con chờ đến lượt. Một khi đã quen với việc chờ đến lượt, cha mẹ có thể bắt đầu giúp con hiểu khái niệm biết nhường nhịn.

Thông thường trẻ rất ham chơi và kiên quyết bảo vệ những thứ của mình. Vì thế cha mẹ đừng vội vàng ép con phải nhường nhịn ngay.

Nhường nhịn là trạng thái mà con chấp nhận chịu thiệt một chút để người khác có thứ tốt hơn. Đây là một điều hoàn toàn không dễ làm ngay cả với người lớn.

Nên cha mẹ đừng vội quy tội con ích kỷ hay xấu tính. Khi con không chịu nhường em, cha mẹ hãy cố gắng nhất để có sự công bằng, đừng đòi hỏi con nhường chỉ vì con lớn hơn em. Trẻ sẽ cảm thấy tủi thân, bực dọc, cho rằng cha mẹ không thương mình bằng em chứ không thật sự hiểu được nhường nhịn là như thế nào.

Tuy nhiên, đôi khi cha mẹ có thể hướng con đến sự nhường nhịn bằng cách khơi gợi tình cảm trong con. Đừng quên trẻ rất trong sáng, nhạy cảm, giàu tình yêu thương và bé sẽ tự động nhường nhịn, cảm nhận được niềm vui thực sự của sự nhường nhịn nếu cha mẹ biết khéo léo xử lý tình huống.

Cha mẹ có thể nói với con: “Con nhường cho em xem trước chương trình tivi em thích được không? Em sẽ vui và cảm ơn con nhiều lắm. Con là một người anh rất thương yêu em đúng không?”.

Cha mẹ nên thuyết phục con chứ tuyệt đối không ép buộc con. Đừng lợi dụng sự dễ tính của anh chị để bắt anh chị luôn phải nhường cho em. Hãy cố gắng đưa ra những cách giải quyết ổn thoả cho cả hai, thỉnh thoảng mới nhường và nhường trong chừng mực và con chấp nhận được. Bằng cách đó, con sẽ thấy chuyện nhường nhịn cũng không đến nỗi quá thiệt thòi.

Khi con vào siêu thị, dù đã xếp hàng nhưng cha mẹ vẫn có thể giải thích với con nên nhường cho người già vì ông bà đi lại khó khăn, dễ bị mệt. Thường xuyên tạo điều kiện cho con chia sẻ những gì mình có, giúp đỡ những người xung quanh chính là cách khéo léo để dạy con biết nhường nhịn.

“Nhường nhịn là đức tính tốt nhưng nếu không biết đặt đúng chỗ thì con dễ bị lợi dụng thậm chí sẽ hình thành tính cách nhẫn nhục và luôn chịu thua thiệt. Đối với đứa là em có thể sẽ hình thành thói ích kỷ bởi luôn được anh chị nhường nhịn.

Thế nên, cách tốt nhất cha mẹ nên giữ sự bình đẳng giữa các con. Hãy dạy con biết tôn trọng anh chị, dạy con biết nhường nhau vì yêu thương nhau, muốn đem lại niềm vui cho nhau chứ không phải là nghĩa vụ. Cha mẹ cũng nên dạy cho con biết từ chối những đòi hỏi quá đáng của em nhỏ.”, Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ