Hội thảo “Góp ý sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 từ yêu cầu của thực tiễn xét xử” được tổ chức nhằm đề xuất một số giải pháp để sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015.
GS.TS Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: HCMULAW) |
GS.TS Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM cho biết, về khía cạnh thực thi, sau gần 10 năm, một số quy định tại BLTTDS năm 2015 đã bộc lộ những hạn chế cần được hoàn thiện.
Điều này càng trở nên quan trọng trong bối cảnh tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Trong đó, bao gồm việc hoàn thiện cơ chế để khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp tòa án là quan hệ hành chính, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử và độc lập của thẩm phán, hội thẩm khi xét xử.
Phân định rõ nhiệm vụ xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét lại bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; xây dựng tòa án điện tử; xác định thẩm quyền của tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp là nhiệm vụ và giải pháp được khẳng định trong Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Đại diện nhà trường cho biết thêm: “Thông qua những trao đổi thẳng thắn, chất lượng cũng như đề xuất những giải pháp từ các chuyên gia, nhà trường sẽ tổng hợp các đề xuất, kiến nghị đối với các cơ quan có thẩm quyền trong việc định hướng hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự trong trong giai đoạn mới.”
ThS Nguyễn Đức Phước, TAND quận Bình Tân. (Ảnh: HCMULAW) |
Tại hội thảo, ThS Nguyễn Đức Phước, TAND quận Bình Tân (TPHCM) trình bày tham luận: “Sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung BLTTDS năm 2015".
Tác giả đã đưa ra những bất cập của BLTTDS năm 2015 trong gần 10 năm điều chỉnh về trình tự, thủ tục giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; trình tự, thủ tục yêu cầu giải quyết các việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động,...
BLTTDS năm 2015 có những quy định không theo kịp yêu cầu của đời sống xã hội, có thể kể ra như thẩm quyền xét xử của Tòa án chưa hợp lý; quy định về chứng cứ, chứng minh chưa bảo đảm toàn diện nguyên tắc tranh tụng; thủ tục tố tụng còn bộc lộ những hạn chế cần được hoàn thiện.
Từ đó, ThS Nguyễn Đức Phước đề ra các định hướng sửa đổi, bổ sung bộ luật.
Bằng kinh nghiệm thực tiễn, tham luận “Bảo đảm việc xét xử các vụ án dân sự đúng pháp luật nhìn từ góc độ hoàn thiện - định chế chứng cứ và đánh giá chứng cứ trong BLTTDS năm 2015” của Thẩm phán Phan Thanh Tùng, TAND cấp cao tại TPHCM đã đưa ra các khảo sát số liệu thống kê việc xét xử của toàn ngành Tòa án.
Qua đó, tác giả cho thấy sự cần thiết của việc xây dựng một bộ luật về chứng cứ để làm “Cơ sở pháp lý” bảo đảm cho sự đúng/sai theo luật định khi xét xử vụ án nhằm nâng cao chất lượng xét xử các vụ án dân sự.
ThS Phạm Thị Thúy, Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TPHCM. (Ảnh: HCMULAW) |
Ngoài ra, hội thảo còn được nghe tham luận “Thẩm quyền theo lãnh thổ của Toà án trong giải quyết tranh chấp dân sự” của ThS Phạm Thị Thúy, Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TPHCM.
Tại Hội thảo, Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TPHCM và Trung tâm Trọng tài Thương mại phía Nam (STAC) đã ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác.
Hai bên sẽ đưa ra các ý tưởng, xây dựng các hoạt động, chương trình nhằm phát huy tốt thế mạnh, từ đó đem đến những thông tin hữu ích, quý giá cho các giảng viên, sinh viên, doanh nghiệp và luật sư.