Bộ lạc trân quý nước bọt nhất

Bộ lạc trân quý nước bọt nhất

Nước bọt là nước quý

Maasai là một bộ lạc thiểu số thuộc bộ tộc bán du mục Nilotic, châu Phi. Họ chủ yếu sinh sống tại Kenya và Tanzania. Theo truyền thuyết dân gian của người Maasai, tổ tiên họ ở Thung lũng sông Nile, tại vị trí phía Bắc của hồ Turkana. Đến khoảng thế kỷ XV thì di cư về phía Nam, dần dà tỏa rộng ra khắp Kenya và Bắc Tanzania như bây giờ.

Người Maasai theo lối sống du mục. Họ tận dụng các đồng cỏ hoang, chăn thả gia súc, di chuyển liên tục để tìm những vùng có nước và đồng cỏ mới.

Châu Phi là vùng đất nóng bức, ít nước, thừa nắng. Mọi dân tộc sống ở đây đều hiểu rõ, nước quan trọng đến mức nào. Riêng người Maasai còn thể hiện sự tôn kính nước ở mức độ tuyệt đối. Họ xem nước là cội nguồn sự sống, tối cần thiết và thiêng liêng nhất. Nhờ có nước, cây cỏ mới mọc lên. Có cỏ, mới nuôi sống được gia súc. Có gia súc, mới có thịt và sữa nuôi sống con người.

Nước bọt cũng là một loại nước. Mọi người đều phải có nước miếng trong miệng thì mới sống được. Trong tất cả các loại nước, nước bọt chính là quý giá nhất. Người Maasai chỉ nhổ nước bọt ra ngoài khi gặp bằng hữu tốt, người thân xa cách lâu năm hay nhân dịp chúc mừng sinh con, đám cưới...

Nhổ nước bọt là chúc mừng

Vừa lọt lòng, trẻ em Maasai liền được cha mẹ chào đón bằng cách nhổ một miếng nước bọt lên đầu. Hành động này biểu hiện cho niềm hạnh phúc vô bờ và sự yêu thương to lớn nhất. Nó cũng hàm chứa ước nguyện em bé sẽ lớn lên khỏe mạnh, sống lâu.

Lớn lên, thiếu niên Maasai học cách chào hỏi bạn bè bằng việc nhổ nước bọt vào lòng bàn tay rồi mới bắt tay. Người Maasai cũng phân chia bạn tâm giao, bạn xã giao. Chỉ khi gặp gỡ hoặc phải chia tay với bạn thân, họ mới nhổ nước bọt vào lòng bàn tay và bắt tay nhau.

Trước khi bắt tay bạn mến là phải nhổ nước bọt vào lòng bàn tay
Trước khi bắt tay bạn mến là phải nhổ nước bọt vào lòng bàn tay 

Trưởng thành, thanh niên Maasai gửi tấm lòng yêu mến đối phương qua hành động nhổ nước bọt lên món quà trước khi trao. Bộ lạc Maasai theo lối hôn nhân sắp đặt, người cha toàn quyền quyết định gả con gái cho ai. Trước lễ đưa dâu, ông trân trọng nhổ một miếng nước bọt lên ngực con gái. Đó chính là lời chúc phúc chân thành nhất.

Nhà trai Maasai cần đưa sính lễ tối thiểu là một con bò. Người ta sẽ nhổ nước bọt lên đầu nó trước khi dâng biếu cho nhà gái. Đám cưới Maasai bắt đầu bằng nghi thức… uống máu dê. Thân thích và bằng hữu của chú rế đến nhà gái rước dâu sẽ được uống một chén máu dê tươi. Họ nâng chén máu này lên uống, mời họ hàng đôi bên nhập tiệc.

Cô dâu Maasai mặc trang phục cưới truyền thống. Bộ trang phục này nổi bật bởi chiếc vòng cưới siêu to, dài và nặng. Nó được làm bằng hạt cườm, bao gồm rất nhiều chuỗi kết hợp với nhau. Sau khi nhận sự chúc phúc của cha, cô dâu Maasai bước ra ngoài sân. Cô cầm một cây gậy gỗ, vừa đi vừa nhảy vũ điệu đám cưới. Điệu nhảy biểu hiện cho sự vui mừng, còn cây gậy gỗ đại diện cho ước nguyện trăm năm hạnh phúc, gắn bó keo sơn như cây cối suốt đời thủy chung với đất.

Nhà trai vừa rước dâu vừa tưng bừng… chửi thề. Người Maasai tin rằng, “văng tục chửi bậy” trong ngày kết hôn sẽ giúp cặp vợ chồng mới xua đuổi điều xui xẻo. Cô dâu Maasai thẳng bước theo chú rể về nhà chồng, không một lần ngoái đầu nhìn nhà cũ. Người Maasai rất kiêng kị hành động này, cho rằng nếu cô dâu quay đầu lại thì sẽ bị hóa thành đá.

Phụ nữ xây nhà

Văn hóa Maasai theo nếp gia trưởng. Đàn ông là trụ cột, quyết định tất tần tật các việc lớn nhỏ trong nhà và ngoài cộng đồng. Họ nhất định phải có thật nhiều con cái. Càng nhiều con, nam giới Maasai càng được người trong tộc kính trọng. Tục lệ Maasai cho phép đàn ông lấy nhiều vợ. Thuở xưa, họ còn thực hành nghi thức “bỏ giường”. Vào ngày “bỏ giường”, các “đức ông chồng” sẽ để vợ ngủ một mình. Nếu vợ của họ quan hệ với người khác và có con, đứa con ấy được tính là con của họ. Ngày nay, tục lệ này đã bị bãi bỏ, song chế độ đa thê thì vẫn còn. Đàn ông Maasai cũng phải có thật nhiều gia súc. Họ được đánh giá “đức cao vọng trọng” khi sở hữu đàn gia súc từ 50 con trở lên.

Tại Kenya, bộ lạc Maasai chỉ chiếm một lượng dân số nhỏ, khoảng 0,7%. Chính phủ Kenya nỗ lực khuyên họ từ bỏ lối sống bán du mục, định cư một chỗ. Tuy nhiên, các thành viên của bộ lạc kiên quyết từ chối.

Phụ nữ Maasai chịu trách nhiệm dựng nhà
Phụ nữ Maasai chịu trách nhiệm dựng nhà 

Cuộc sống của người Maasai phụ thuộc hoàn toàn vào đàn gia súc. Cứ mỗi buổi bình minh lên, nam giới Maasai lại quần áo gọn ghẽ, lùa đàn gia súc ra đồng. Khẩu phần hàng ngày của dân tộc này là sữa tươi và thịt sống. Gần đây, do lượng gia súc bị thu hẹp (vì dịch bệnh và thiếu đất chăn thả), họ bắt đầu quan tâm đến trồng trọt. Các loại cây yêu thích bao gồm cao lương, lúa, khoai tây và bắp cải. Chế độ ăn uống cũng thay đổi, trở nên cân bằng hơn.

Mặc dù, Maasai theo văn hóa phụ hệ, phụ nữ Maasai mới là người chịu trách nhiệm dựng nhà. Nhà ở của người Maasai thuộc kiểu chỗ trú ẩn tạm thời, dùng cho cả người và vật nuôi. Nó có hình chữ nhật hoặc vuông, tròn, được quây, lợp bằng các vật liệu tự nhiên sẵn có.

Mỗi khi di chuyển đến nơi chăn thả mới, cánh chị em Maasai lại lo cắt cỏ, đốn cây, chuẩn bị làm nhà. Họ chặt thân cây to cỡ bắp tay, bắp chân làm cột, đào hố chôn chắc. Sau khi hoàn thành phần khung nhà thì lấy các nhánh cây xếp, buộc làm tường. Từ mái đến vách đều được lợp, be bằng cỏ. Khâu cuối cùng là trộn hỗn hợp bùn, phân bò, nước tiểu (của cả người và vật nuôi) làm vữa trát tường. Lớp vữa tự nhiên này có tác dụng gia cố, chống thấm. Nó giữ ấm cho người (hoặc gia súc) ngủ nghỉ bên trong.

Theo Face Afica

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ