Nén nỗi đau mất con, ông Đào Văn Thịnh, xã Lương Sơn, huyện Yên Lập (Phú Thọ) đưa ra quyết định mà nhiều người khác không nghĩ tới: Hiến tặng các bộ phận trên cơ thể con trai, mang cơ hội sống tiếp cho những người không may mắn.
Việc làm cao đẹp của người nông dân đứng ở nửa sau dốc cuộc đời đã mang đến cơ hội hồi sinh cho 4 người xa lạ.
Nỗi đau dồn dập
Căn nhà mái lá đơn sơ của gia đình ông Đào Văn Thịnh (63 tuổi) nằm khuất giữa tứ bề cây cối um tùm. Từ con đường nhựa của thôn Phúc Thịnh (xã Lương Sơn) phải băng qua cánh đồng, một cái ao và vạt đồi keo mới đến được căn nhà nơi ông Thịnh sinh sống.
Người dân ở đây gọi ông bằng biệt danh ông Thịnh “cóc”. Cũng chẳng ai biết cái tên ấy bắt nguồn từ đâu nhưng nó gần gũi và dễ nhớ hơn cái tên được điền trong giấy khai sinh. “Anh nên đợi tối xuống, chứ đến ban ngày như này dễ lại không gặp được ông ấy đâu. Từ hồi con mất, ông ấy cứ tha thẩn đi hết đây cùng đó, mấy khi có ở nhà”, một người dân chỉ đường cho phóng viên nói.
Ông Thịnh về nhà khi đêm đã buông. Ông mở cửa, di chuyển từng bước nặng nề xuống bếp. Lát sau, ông mang lên một bát cơm trắng, canh khoai hầm xương và đặt cẩn thận trước di ảnh con trai.
Người đàn ông bắt đầu câu chuyện bằng giọng nghèn nghẹn: “3 năm, nhà tôi mất 3 người (vợ, mẹ đẻ, con trai - PV). 2 con trai để nhờ cậy lúc tuổi già thì chúng nó cũng “bỏ đi” hết rồi”.
Vợ chồng ông Thịnh có với nhau được 3 người con (1 gái, 2 trai). Cuộc sống cứ ngỡ trôi qua trong êm đềm khi cả 3 người con của ông bà đều ngoan ngoãn, chăm chỉ.
Ông Thịnh mới bước qua tuổi lục tuần nhưng những thăng trầm của cuộc sống khiến trí nhớ của ông giảm đi nhiều. Tuy vậy, ông vẫn nhớ như in những biến cố đã xảy đến với gia đình mình. Và cái ngày 16/3/1994 được ông xem như ngày khởi phát cho những đau thương, mất mát. Đó chính là ngày vợ ông gặp nạn.
Ông kể, khi đó vợ ông là bà Hà Thị P. vừa sinh người con trai út là anh Đào Văn S. được gần 3 tháng. Trong một lần sang nhà người họ hàng chơi, bà P. gặp tai nạn giao thông và bị chấn thương nặng.
“Bà ấy lăn xuống vực và chỉ nằm cách hồ nước gần đó chừng vài bước chân”. Sau nhiều ngày tháng chạy chữa, sức khỏe của bà P. phục hồi nhưng trí nhớ lại sụt giảm nghiêm trọng.
Từ một người phụ nữ tần tảo, bà P. không thể làm được công việc gì. Gánh nặng gia đình dồn cả lên vai ông Thịnh. Đầu năm 2022, bà P. qua đời sau gần 30 năm chống chọi với bệnh tật.
Vợ mất, mình ông lo nuôi 3 con. Các con của ông đều chưa hoàn thành xong chương trình THCS.
Sau khoảng thời gian nghỉ học và kiếm sống bằng nhiều công việc nhưng kinh tế vẫn không khá nên năm 2012, anh Đào Văn S. (con út ông Thịnh) sang Trung Quốc làm việc và tử vong nơi xứ người.
Lần ấy, phải vất vả lắm, ông mới vay mượn được hơn 40 triệu đồng để làm thủ tục đưa cốt của con về quê an táng. Nỗi đau mất con cũng nguôi ngoai dần khi căn nhà nhỏ vẫn còn người con dâu ra vào, trò chuyện, đỡ đần ông công việc.
Từ khi con trai út qua đời, niềm hi vọng của ông Thịnh đặt cả vào người con trai thứ là anh Đào Văn T. (33 tuổi). Anh T. làm phiên dịch cho một công ty đóng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Khoảng 22 giờ 30 phút, ngày 29/6, anh T. trong quá trình tham gia giao thông đã tự gây tai nạn dẫn đến chấn thương nặng, rơi vào tình trạng chết não.
Cho đi để còn mãi
Ông Thịnh đã quyết định hiến tạng của con trai bị chết não cho y học để hồi sinh 4 người khác. |
Các bác sĩ đề xuất phương án để ông Thịnh hiến một số bộ phận của con (gân, sụn, giác mạc, tim, gan, thận) để cứu chữa cho những bệnh nhân đang cần.
“Khi đó tôi không đồng ý ngay. Tôi không đồng ý chẳng phải do suy nghĩ ích kỷ, hẹp hòi gì. Vợ chồng tôi có 2 người con trai thì cả 2 đều yểu mệnh như nhau. Khi người con trai út tử vong, vợ chồng tôi chỉ nhận lại được một chiếc tiểu nhỏ chứa cốt nên nếu con trai thứ cũng không qua khỏi thì tôi chỉ mong nhận lại được thi thể nguyên vẹn của con. Nghĩ thế nên ngày hôm sau tôi đưa con về nhà”, ông Thịnh chia sẻ.
Hơn một ngày sau đó, câu nói của người bác sĩ tại Bệnh viện Việt Đức lúc nào cũng văng vẳng trong đầu khiến ông Thịnh phải dày vò với lựa chọn hiến tạng con hay không. Cuối cùng, ông Thịnh đi đến quyết định hết sức khó khăn, nhưng nhân văn, mang lại những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống: Ông hiến một số bộ phận (tim, 2 quả thận và gan) của con trai cho y học.
“Tôi nghĩ, đằng nào em nó cũng mất. Mà khi đã mất đi, một vài năm thân thể cũng chẳng còn gì. Nhưng nếu tạng của em nó cứu sống được những người khác thì em nó vẫn còn sống trên đời. Tôi được biết, những bộ phận trên cơ thể con tôi đều đã được ghép cho những người cần và họ đều phục hồi tốt. Hy vọng, họ sẽ tiếp tục sống một cuộc đời thật ý nghĩa”, ông Thịnh tâm sự.
Trước khi chia tay, ông Thịnh chia sẻ thêm rằng, trong thời gian tới, bản thân ông rất mong muốn được một lần nghe lại nhịp đập từ trái tim của người con trai.
“Theo Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, ngày 6/7, với sự điều phối của Trung tâm, trái tim của anh T. đã được chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế để ghép cho một bệnh nhân mắc bệnh cơ tim giãn - suy tim 13 năm. Trong khi đó, tại Bệnh viện Việt Đức, các kíp ghép tạng đã tiến hành ghép thận cho 2 bệnh nhân và ghép gan cho 1 bệnh nhân suy tạng. Sau ghép, các chỉ số sinh tồn của cả 4 bệnh nhân đều ổn định. Hiện sức khỏe các bệnh nhân đều tiến triển tốt”.