Đồng thời tổ chức rà soát, điều chỉnh các chuẩn, tiêu chuẩn về trường lớp học phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, làm căn cứ xây dựng, ban hành Đề án tổng thể về cơ sở vật chất, thiết bị trường học; ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu theo chương trình giáo dục phổ thông mới; hướng dẫn các địa phương mua sắm bàn ghế phù hợp với lứa tuổi học sinh và chương trình, sách giáo khoa mới.
Mặt khác, Bộ đã chỉ đạo các địa phương tổng rà soát, đầu tư cải tạo, xây dựng nhà vệ sinh và cung cấp nước sạch trong trường học, tăng cường cơ sở vật chất; ưu tiên bố trí ngân sách địa phương, huy động xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các nguồn hợp pháp khác để giải quyết dứt điểm việc thiếu nhà vệ sinh, công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục.
Để chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới theo lộ trình, Bộ GD&ĐT đã chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn các dịa phương thực hiện.
Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các địa phương chỉ mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học còn thiếu và sắp xếp lại cho phù họp với các môn học chứ không mua sắm toàn bộ; rà soát kỹ lưỡng để mua sắm, bổ sung trang thiết bị dạy học hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, các địa phương quan tâm tăng cường cơ sở vật chất theo hướng kiên cố hoá, chuẩn hoá và từng bước hiện đại, xóa bỏ các phòng học 3 ca, phòng học xuống cấp, phòng học tạm, phòng học nhờ, ưu tiên cho việc duy trì phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, tiểu học, THCS; xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị dạy học.
Hệ thống phòng thí nghiệm, đặc biệt là phòng thí nghiệm công nghệ cao của các trường đại học kỹ thuật được tăng cường đầu tư. Nhiều thư viện đã tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế. Nhiều phòng học, giảng đường, công trình thể thao... đã được đầu tư xây mới hoặc cải tạo nâng cấp để đáp ứng nhu cầu đào tạo.