(GD&TĐ)- Bộ GD&ĐT trả lời chất vấn đồng chí Lê Thị Dung - Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang về những vấn đề liên quan đến giáo dục mầm non.
Nội dung chất vấn:
Những sự kiện bạo hành, hành hạ trẻ mầm non gần đây đã làm cho cử tri bức xúc. Vấn đề giáo dục mầm non ngày càng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Nguyên nhân của sự yếu kém về năng lực chuyên môn, về phẩm chất đạo đức có phần trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về chuyên ngành. Đề nghị Bộ trưởng cho biết:
1. Việc hiện nay vẫn còn những lớp mầm non ghép với tiểu học, do vậy điều kiện vui chơi, giải trí cho trẻ mầm non rất hạn chế. Việc chăm sóc giáo dục trẻ ở nông thôn, vùng khó khăn, vùng dân tộc hầu như chưa được chú trọng. Trẻ từ 4 tháng tuổi đến dưới 12 tháng tuổi hầu như không có nơi nào thu nhận. Đội ngũ giáo viên đạt chuẩn chưa cao, năng lực thực tế chưa tương thích với trình độ đào tạo, còn khó khăn để thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới. Cơ sở vật chất, trang thiết bị ít được quan tâm đầu tư. Chế độ làm việc, chính sách đối với giáo viên mầm non còn rất bất cập, chưa căn cứ đặc thù giáo dục mầm non từ đó dẫn đến sự không công bằng trong giáo dục giữa những vùng có điều kiện kinh tế- xã hội với những vùng khó khăn, vùng nông thôn, vùng dân tộc. Trách nhiệm thuộc về ai? Có giải pháp đột phá nào để giải quyết nhanh chóng vấn đề này?
2. Bộ trưởng có cơ chế nào để đẩy nhanh xã hội hóa đặc biệt thu hút các doanh nghiệp, các công ty xây dựng trường mầm non để thu hút trẻ đặc biệt từ 4 tháng tuổi để công nhân viên chức lao động yên tâm làm nhiệm vụ?
3. Bộ trưởng có chương trình hoặc dự án tập trung nào ưu tiên dành cho giáo dục mầm non? Có chính sách, chế độ nào để gắn giáo dục, bồi dưỡng giáo viên mầm non với yêu cầu phát triển giáo dục mầm non trong giai đọan mới? Đặc biệt cho giáo dục mầm non phát triển cả về lượng và chất? và ưu tiên cho vùng nông thôn, vùng khó khăn, vùng dân tộc phát triển công bằng, thu hẹp khoảng cách dân trí, cũng như hưởng thụ thành quả đổi mới giữa các nơi?
Bộ Giáo dục và Đào tạo xin trả lời như sau:
1. Về tình hình giáo dục mầm non và việc thực hiện các chính sách đối với giáo viên mầm non
Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua, đặt Giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân; Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo. Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã phát triển trường mầm non công lập tại các vùng khó khăn, ưu tiên tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non; các chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục, chương trình kiên cố hóa trường lớp học cũng dành tỷ lệ ngân sách cao, từ 80-100% cho các tỉnh này.
Theo phân cấp quản lý giáo dục tại Nghị định số 166/2004/NĐ-CP ngày 16/9/2004, Ủy Ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm chỉ đạo việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, kế hoạch đào tạo giáo viên, xây dựng và thành lập các trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ phù hợp với quy hoạch và đáp ứng yêu cầu gửi trẻ và huy động trẻ mầm non đến trường cho từng giai đoạn phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương; Chỉ đạo việc xây dựng cơ sở vật chất và thực hiện các chế độ chính sách đối với giáo viên ở các loại hình cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn theo đúng quy định của nhà nước.
Tuy nhiên, cho đến nay các địa phương vùng khó khăn vẫn còn những tồn tại tình trạng lớp ghép, lớp học nhờ, học tạm chung với tiểu học, cơ sở vật chất trang thiết bị, chưa đủ chỗ để thu nhận hết trẻ em từ 4-12 tháng tuổi; trình độ của giáo viên và chế độ chính sách cho giáo viên ngoài biên chế vẫn còn bất cập.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cùng với các Bộ, ngành kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ các giải pháp như sau:
- Ưu tiên đầu tư cho các vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa hải đảo theo hướng xây dựng các trường mầm non công lập, kiên cố, đạt chuẩn.
- Miễn học phí cho trẻ em, mẫu giáo thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, vùng hải đảo và các xã đặc biệt khó khăn; trẻ em mẫu giáo mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế; trẻ em bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ hoặc không đủ năng lực để nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật; trẻ em có cha hoặc mẹ trong thời gian bị phạt tù tại trại giam, không còn người nuôi dưỡng; trẻ em mẫu giáo có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của nhà nước. Hỗ trợ ăn trưa 70.000 đ/tháng cho trẻ mẫu giáo có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo Quyết định số 112/2006/QĐ-TTg; Hỗ trợ ăn trưa 120.000 đ/tháng cho trẻ em năm tuổi ở các cơ sở giáo dục mầm non theo các đối tượng được quy định trong Quyết định số 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Thực hiện tốt chính sách cho giáo viên mầm non ngoài biên chế theo chế độ hiện hành của Nhà nước, bổ sung thu nhập cho giáo viên theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế hỗ trợ chính sách phát triển kinh tế-xã hội đối với các tỉnh duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Trung du và miền núi Bắc Bộ tăng phụ cấp bằng 50% lương tối thiểu cho giáo viên mẫu giáo.
- Kết hợp các nguồn vốn kiên cố hóa giai đoạn 2008-2012, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục ưu tiên đầu tư xây dựng 86 trường mầm non đạt chuẩn tại 86 huyện nghèo; xây dựng đủ phòng học, trang bị cơ sở vật chất, bổ sung giáo viên đạt chuẩn đạo tạo và chuẩn nghề nghiệp để thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ em năm tuổi, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, chuẩn bị tốt về tâm thế, tiếng Việt để trẻ sẵn sàng vào lớp một.
2. Về việc đẩy nhanh xã hội hóa để phát triển giáo dục mầm non
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25/5/2006 về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập để bảo đảm nhu cầu gửi trẻ của nhân dân khi các trường mầm non công lập chưa đáp ứng được.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND các cấp, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Quy chế Tổ chức và hoạt động trường, lớp mầm non tư thục, được ban hành tại Quyết định số 41/2008/QĐ-BGDĐT ngày 25/7/2008 của Bộ trưởng Bộ GDĐT, hết sức giúp đỡ và tăng cường kiểm tra để các cơ sở mầm non tư thục để có đủ điều kiện đón nhận các cháu nhỏ, đảm bảo an toàn tuyệt đối và đáp ứng nguyên tắc sư phạm trong chăm sóc, giáo dục trẻ.
3. Một số giải pháp để phát triển giáo dục mầm non trong giai đoạn tới
Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng Chương trình, mục tiêu Quốc gia Giáo dục giai đoạn 2011-2015; tập trung xây dựng đủ phòng học còn thiếu cho giáo dục mầm non, trước mắt ưu tiên khoảng 16.400 phòng học để phổ cập GDMN cho trẻ em năm tuổi, trang bị đủ bộ thiết bị tối thiểu cho các lớp mầm non; đào tạo đủ giáo viên, bồi dưỡng nâng chuẩn trình độ đào tạo và chuẩn nghề nghiệp cho giáo viên mầm non để thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Năm 2011, dự kiến vốn CTMT QG Giáo dục cho giáo dục mầm non là 300 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng Dự án Giáo dục mầm non cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (trước mắt 50 triệu USD) cho đối tượng trẻ thiệt thòi trong giai đoạn 2011-2015.
Bộ GD&ĐT