(GD&TĐ) - Sau hơn 20 năm hoạt động, hệ thống các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) đã bước đầu khẳng định vai trò thiết thực, đáp ứng xu thế phát triển tất yếu của xã hội. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần có những chính sách thế nào để loại hình trường này vượt qua khó khăn, phát triển đúng hướng. Sau đây là ý kiến của PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT).
Xin ông cho biết Bộ GD&ĐT trong thời gian qua đã có những giải pháp gì để các trường NCL phát triển đúng hướng?
- Thời gian qua, để định hướng hoạt động của các trường NCL, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện để các trường ĐH, CĐ NCL hoạt động theo đúng quy định. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang gấp rút triển khai soạn thảo Nghị định hướng dẫn thi hành; sửa đổi, bổ sung Điều lệ trường đại học, Điều lệ trường cao đẳng, Quy chế hoạt động của trường đại học tư thục, Quy chế hoạt động của trường cao đẳng tư thục phù hợp với các quy định mới của Luật Giáo dục Đại học.
|
Ảnh: Bùi Tuấn |
Ông đánh giá thế nào về hoạt động của các trường NCL?
- Thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục, trong thời gian qua Bộ GD&ĐT cùng các Bộ, Ngành và các địa phương đã có biện pháp cụ thể, thiết thực thu hút các nguồn lực cho phát triển GDĐH, trong đó có phát triển các trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Đến nay, cả nước đã có 81 trường ĐH, CĐ NCL chiếm 20% tổng số các trường ĐH, CĐ, với số lượng sinh viên chiếm 15 % tổng sinh viên cả nước.
Trong hệ thống các trường NCL hiện nay có nhiều trường đã tạo được uy tín, thương hiệu, hoạt động ổn định, kết quả tuyển sinh trong nhiều năm liền đạt tỷ lệ cao. Điển hình như: Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM, Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Thăng Long, Trường Đại học FPT, Trường Đại học Bình Dương, Trường Đại học Võ Trường Toản, Trường Đại học Hoa Sen... Các trường này đã chú trọng đầu tư chiều sâu, có chiến lược phát triển dài hạn, tập trung phát triển đội ngũ giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất, phát triển chương trình đào tạo mới và đa dạng.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 2 Khóa XI và Nghị quyết 50 của Quốc hội Khóa XII, toàn ngành GD&ĐT đang trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo qui mô sang mô hình phát triển theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả. Công tác quản lý nhà nước về GDĐH được đổi mới theo hướng tách công việc quản lý nhà nước của Bộ ra khỏi công việc chuyên môn của cơ sở đào tạo, đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các nhà trường theo tinh thần của Luật Giáo dục Đại học; giao cho địa phương tham gia quản lý một số khâu trong hoạt động GDĐH theo tinh thần Nghị định 115 của Chính phủ.
Trong quá trình chuyển đổi mô hình phát triển này, một số trường ĐH, CĐ bao gồm cả công lập và NCL chưa xác định được mục tiêu phát triển lâu dài của mình đã gặp phải khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do các trường này chưa quan tâm đúng mức đến xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên, chưa đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo còn hạn chế, chỉ tập trung phát triển những ngành thuộc lĩnh vực quản lý, tài chính ngân hàng…, chưa xây dựng được thương hiệu và tạo dựng được uy tín trong xã hội. Cũng có một số trường nội bộ mất đoàn kết, mâu thuẫn kéo dài, uy tín của trường bị giảm sút.
Bộ GD&ĐT đã có những động thái gì giúp các trường NCL phát triển ổn định?
- Bộ GD&ĐT ghi nhận một số vấn đề như việc giao đất sạch, cho thuê đất đã giải phóng mặt bằng đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa ở nhiều địa phương còn nhiều bất cập; Việc áp dụng mức thuế ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa giáo dục.
Bộ GD&ĐT đã kiến nghị đưa vào Luật Giáo dục Đại học và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục Đại học quy định miễn thuế đối với phần chênh lệch thu chi được đưa trở lại đầu tư phát triển tại các trường ngoài công lập. Đồng thời, Bộ đã có văn đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ sửa văn bản theo hướng cho các trường ngoài công lập hưởng thuế thu nhập ưu đãi khi đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục.
Bộ GD&ĐT cũng đã trình Thủ tướng dự thảo điều chỉnh qui hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ đến năm 2020 cho sát với tình hình thực tế hơn, hạn chế tối đa việc thành lập các cơ sở GDĐH mới, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo.
Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT cũng đã có những điều chỉnh về mở ngành đào tạo, tạm dừng cấp phép mở mới đối với các ngành Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, Quản trị kinh doanh ở một số trường bởi số lượng trường đào tạo các ngành này rất lớn, vượt quá nhiều so với nhu cầu thực của nền kinh tế.
hực hiện cảnh báo xã hội về nhu cầu nhân lực để giúp các trường có định hướng trong công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo.
Về tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy, Bộ GD&ĐT chủ trương giữ ổn định theo phương án “3 chung” đến năm 2015. Đồng thời, Bộ tiếp tục nghiên cứu đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ gắn liền với đổi mới chương trình, nội dung, sách khoa phổ thông sau năm 2015.
Thực hiện Luật Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT đã có chủ trương khuyến khích các trường tuyển sinh riêng. Cho đến nay, Bộ đã nhận được đề án của các trường thuộc khối văn hóa nghệ thuật và đã quyết định cho 10 trường thuộc khối này được tuyển sinh riêng từ năm 2013.
Bộ GD&ĐT đã thông báo cho các trường ĐH, CĐ bao gồm cả trường công lập và NCL xây dựng đề án tuyển sinh riêng. Nếu thấy khả thi, đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, đảm bảo tính công bằng, nghiêm túc, không phát sinh khó khăn cho thí sinh, không tái diễn luyện thi, dạy thêm, học thêm... thì Bộ sẽ cho phép các trường thực hiện.
Trong điều kiện hiện nay, khi hệ thống kiểm định chất lượng GDĐH chưa được triển khai đều khắp thì việc duy trì điểm sàn để đảm bảo chất lượng đầu vào là cần thiết để đảm bảo chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và phân luồng. Điểm sàn là ngưỡng tối thiểu để thí sinh có thể tham gia học tập ĐH, CĐ. Để đảm bảo nguồn tuyển cho các trường nhưng đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, Bộ GD&ĐT đã giao cho các đơn vị chức năng nghiên cứu, đề xuất phương án xây dựng điểm sàn mới. Đồng thời, Bộ GD&ĐT đã cho mở diễn đàn trên báo để tiếp thu ý kiến rộng rãi của nhân dân.
Xin cám ơn Vụ trưởng!
Bạch Ngọc Dư