Bộ đội biên phòng chung tay xoá mù chữ ở miền biên giới

GD&TĐ - Lực lượng Bộ đội biên phòng Quảng Trị tích cực phối hợp ngành giáo dục để dạy xóa mù chữ cho đồng bào Pa Kô, Vân Kiều trên dãy Trường Sơn.

Bộ đội Biên phòng tham gia dạy xóa mù chữ cho người dân biên giới.
Bộ đội Biên phòng tham gia dạy xóa mù chữ cho người dân biên giới.

Thầy giáo quân hàm xanh

Xã A Dơi (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) thuộc địa bàn biên giới, chủ yếu là đồng bào Pa Kô, Vân Kiều sinh sống, dựa vào làm nương rẫy, trồng sắn...

Ngoài những người trong độ tuổi đến trường, đa số bà con học chữ đã lâu, lại ít sử dụng trong thời gian dài nên lúc nhớ, lúc quên. Trong số đó, tỉ lệ phụ nữ “quên chữ” rất lớn, cũng có người mới nhập quốc tịch chưa từng tiếp xúc với tiếng Việt.

Nắm bắt nhu cầu của nhiều chị em, từ năm 2021 Đồn Biên phòng Ba Tầng (Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị) chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các xã A Dơi, Ba Tầng (huyện Hướng Hóa) mở lớp “xóa tái mù chữ”, nhằm giúp chị em trên địa bàn biết đọc, biết viết.

Lớp học triển khai vào các ngày thứ 3, 5 và 7. Đồn Biên phòng Ba Tầng cử 3 cán bộ phối hợp với hội viên Hội LHPN 2 xã làm giáo viên chủ nhiệm, trực tiếp tham gia lên lớp tại các điểm trường.

Lớp dạy xóa mù chữ cho chị em phụ nữ xã A Dơi.

Lớp dạy xóa mù chữ cho chị em phụ nữ xã A Dơi.

Cứ đều đặn mỗi tối có lịch dạy theo kế hoạch, Đại úy Hồ Văn Hữu, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Tầng và Thiếu tá Hồ Văn Hai, Đội trưởng kiểm soát hành chính, Đồn Biên phòng Ba Tầng (BĐBP Quảng Trị) đều lên lớp để dạy chị em phụ nữ tập đọc, tập viết.

Hàng trăm phụ nữ dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở 2 xã biên giới Ba Tầng và A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đều gọi các anh là thầy. Những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở hai bên biên giới cũng gọi các anh bằng hai tiếng thân thương: Thầy giáo!

Đại úy Hồ Văn Hữu cho biết, anh năm nay 31 tuổi, là người Vân Kiều, ở xã Mò Ó, huyện Đakrông. Năm 2016, anh Hữu tốt nghiệp Học viện Biên phòng và được điều động công tác tại lực lượng Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 2020, anh được chuyển về công tác tại Đồn Biên phòng Ba Tầng và giữ chức vụ Đội trưởng Đội Vận động quần chúng.

Là người con của đồng bào dân tộc Vân Kiều, anh Hữu rất hiểu về phong tục, tập quán của người dân địa phương và những chuyến đi cơ sở của anh như là về nhà mình.

Qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, anh phát hiện có rất nhiều phụ nữ lớn tuổi trên địa bàn 2 xã Ba Tầng và A Dơi chưa biết chữ. Điều này đã thôi thúc anh báo cáo và tham mưu với lãnh đạo đơn vị tổ chức các lớp xóa mù chữ.

Để tổ chức các lớp học, Đồn Biên phòng Ba Tầng phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ 2 xã Ba Tầng và A Dơi khảo sát, lập danh sách và vận động chị em phụ nữ trên địa bàn tham gia.

“Lớp học đầu tiên tôi đứng lớp có hơn 30 học sinh “đặc biệt” vì hầu hết tuổi đã cao, có người hơn 50 tuổi. Ban đầu ai cũng e ngại, mặc cảm nhưng càng học, các chị càng hăng say vì sau mỗi buổi học, các chị bắt đầu nhận diện được con chữ, làm quen với các con số và các phép tính. Khóa học có thời gian biểu 3 - 4 buổi/tuần, học vào ban đêm và hoàn thành sau 6 tháng. Kết thúc khóa học, các chị rất phấn khởi và tự tin khi đã đọc được, viết được và làm được các phép tính cơ bản trong phạm vi hàng nghìn”, Đại úy Hồ Văn Hữu tâm sự.

Đến cuối năm 2022, Đồn Biên phòng Ba Tầng đã phối hợp với chính quyền địa phương, Hội Liên hiệp Phụ nữ 2 xã tổ chức 5 lớp, với 180 học sinh là phụ nữ lớn tuổi chưa biết chữ.

Tháng 3/2023, anh Hữu được đơn vị giao nhiệm vụ phối hợp với nhà trường trên địa bàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ 2 xã tiếp tục rà soát, lập danh sách và đề xuất mở thêm các lớp xóa mù chữ, đồng thời phát triển, mở rộng thêm các đối tượng học viên và đã mở được thêm 2 lớp/48 học viên.

Đẩy mạnh công tác xóa mù chữ cho người dân biên giới

Quản lý địa bàn biên giới ở khu vực trọng yếu, thời gian qua để thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ an ninh biên giới, nâng cao nhận thức của người dân, Đồn Biên phòng Thanh tích cực phối hợp với Phòng Giáo dục huyện Hướng Hóa tuyên truyền, vận động người dân tham gia các lớp học xóa mù chữ, cắt cử cán bộ tham gia đứng lớp.

Trung tá Ngô Trường Khôi, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh cho biết: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đơn vị quản lý đã có 3 lớp học xóa mù được tổ chức tại các xã A Xing, Xy và Thanh. Để lớp học được duy trì đều đặn số lượng học viên, đơn vị cắt cử lực lượng đến tận nhà động viên người dân cố gắng chuyên cần đi học để xóa mù.

Tại mỗi lớp học, Đồn cử một cán bộ phối hợp đứng lớp dạy văn hóa cũng như lồng ghép các nội dung tuyên truyền về pháp luật, bảo vệ đường biên giới quốc gia, mốc quốc giới, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Đến nay, việc triển khai các lớp học có hiệu quả tốt góp phần nâng cao nhận thức của người dân cũng như bảo vệ an ninh biên giới quốc gia…

Trung tá Hồ Lê Luận, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hướng Lập (BĐBP Quảng Trị) cho biết, thời gian qua, Đồn Biên phòng Hướng Lập tích cực phối hợp với Phòng GD&ĐT và Trường Phổ thông DTBT, Tiểu học và THCS Hướng Lập triển khai dạy xóa mù chữ cho người dân.

"Đồn Biên phòng đã cắt cử cán bộ, chiến sĩ phối hợp với giáo viên nhà trường để đảm bảo các nội dung dạy văn hóa. Đồng thời, lồng ghép các nội dung tuyên truyền về pháp luật, bảo vệ đường biên giới quốc gia, mốc quốc giới, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân".

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa cho biết, trong những năm qua Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) đã phối hợp với các Đồn Biên phòng, chính quyền địa phương mở các lớp học vào buổi tối.

Việc phối hợp với các Đồn Biên phòng tổ chức dạy học với nhiều nội dung lồng ghép cũng góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, người dân cũng chủ động ứng dụng kiến thức vào việc phát triển kinh tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.