Bộ Công thương vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu với đề xuất không bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và hai phương án về điều hành giá xăng dầu.
Tại dự thảo Nghị định, Bộ Công thương đề xuất thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp là 10 ngày hoặc giữ nguyên là 15 ngày.
Đối với trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm giá cơ sở tăng (phương án 1 tăng trên 10%, phương án 2 tăng trên 7%), Bộ Công thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành cụ thể.
Bên cạnh đó, trường hợp giá cơ sở tăng quá cao dẫn đến việc tăng giá xăng dầu trong nước ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính triển khai các biện pháp bình ổn giá theo quy định của Luật Giá và các văn bản hướng dẫn.
Ngoài những điểm mới trên, dự thảo Nghị định còn quy định ngoài các thương nhân kinh doanh xăng dầu được Thủ tướng phê duyệt, thương nhân có hoạt động đầu tư, sản xuất xăng dầu được quyền chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35% vốn.
Đối với phương án lưu trữ, Bộ Công thương cũng đưa ra hai phương án phương án về định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc: Một là giảm dự trữ lưu thông bắt buộc từ 30 ngày xuống 20 ngày; Hai là giữ nguyên quy định dự trữ 30 ngày.
Đồng thời, dự thảo bổ sung thêm yêu cầu thương nhân phân phối xăng dầu phải đảm bảo dự trữ bắt buộc tối thiểu là 5 ngày.
Trao đổi với PV Báo Giao thông về đề xuất này, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông cho biết, đề xuất điều chỉnh giá xăng 10 ngày/lần là để sát hơn với giá biến động của thế giới. “Nếu trong 15 ngày mà giá thế giới có sự biến đổi rõ nét thì độ trễ điều hành trong nước chưa sát với tình hình thế giới và xét trong một số hiện tượng, nếu doanh nghiệp họ kỳ vọng giá tăng, sẽ có thể xẩy ra hiện tượng găm hàng gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân”, vị này nói.
Do đó, để khắc phục, lần này Bộ Công thương đã đề xuất sửa theo hướng rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng về 10 ngày/lần và có thêm biện pháp để trong trường hợp giá xăng dầu biến động bất thường quá lớn, chẳng hạn như 3-4 ngày mà ảnh hưởng tới kinh tế xã hội và nguồn cung thì liên Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhằm điều hành hợp lý chứ không nhất thiết khiên cưỡng tối thiểu 15 ngày trong trường hợp tăng giá và tối đa 15 ngày trong trường hợp giảm giá.