Bộ Công an thông tin chính thức về vụ sản xuất ma túy lớn nhất từ trước đến nay

Trên 13 tấn hóa chất, tiền chất phục vụ sản xuất trái phép chất ma túy. Khoảng 20 tấn máy móc, thiết bị, dụng cụ được lắp đặt thành dây chuyền đang sản xuất trái phép chất ma túy. Với lượng hóa chất, tiền chất nêu trên, nếu sản xuất trót lọt, ước tính các đối tượng sẽ sản xuất 1 tấn ma túy tổng hợp dạng “đá”.

Trung tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an chủ trì họp báo thông tin - Ảnh: Hoàng Anh
Trung tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an chủ trì họp báo thông tin - Ảnh: Hoàng Anh

Chiều 27/9, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) họp báo thông tin kết quả đấu tranh chuyên án triệt phá đường dây sản xuất trái phép chất ma túy do đối tượng người Trung Quốc cầm đầu (Chuyên án 626T).

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, đây là đường dây sản xuất trái phép chất ma túy có quy mô, tính chất lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam, thu giữ được toàn bộ dây chuyền sản xuất, bắt giữ được toàn bộ các đối tượng chủ mưu, cầm đầu người nước ngoài; đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khi phá án.

8 tháng ròng theo dõi

Những tháng đầu năm 2019, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Công an các địa phương và lực lượng chức năng của Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát Biển tập trung lực lượng điều tra, bóc gỡ nhiều đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy xuyên quốc gia, số lượng đặc biệt lớn.

Trước nhu cầu sử dụng ma túy tổng hợp tăng cao, cộng với lợi nhuận khổng lồ từ hoạt động mua bán trái phép chất ma túy mang lại, các tổ chức tội phạm người nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc, Đài Loan, Philippines nhập cảnh vào Việt Nam bằng visa du lịch, núp bóng dưới “vỏ bọc” là các thương gia, ông chủ các tập đoàn nước ngoài để lợi dụng sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.

Chúng tìm các công ty, doanh nghiệp Việt Nam có sẵn nhà xưởng ở những khu vực hẻo lánh, biệt lập thường với giá rất cao để đặt xưởng sản xuất ma túy. Chúng lừa dối các doanh nghiệp là sử dụng kho xưởng để sản xuất phân bón hoặc thử nghiệm thuốc diệt côn trùng, nếu thành công sẽ cho làm đại lý độc quyền.

Trước diễn biến thay đổi của tình hình tội phạm ma túy, ngay từ cuối năm 2018 lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cục C04 tập trung phối hợp thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm chắc tình hình, rà soát đối tượng, kịp thời phát hiện, đấu tranh, triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy ở trong nước.

Thông qua kênh hợp tác trong phòng, chống ma túy với Bộ Công an Trung Quốc, đầu năm 2019, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy nhận được thông tin một số đối tượng quốc tịch Trung Quốc cấu kết với một số đối tượng người Việt gốc Hoa ở trong nước chuẩn bị vận chuyển một lô máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất ma túy tổng hợp tại Việt Nam.

Sau nhiều tháng ròng thu thập tài liệu, chứng cứ, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy nhận định đây là đường dây tổ chức sản xuất trái phép ma túy tổng hợp quy mô lớn, tính chất vô cùng tinh vi, phức tạp. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã báo cáo đề xuất lãnh đạo Bộ Công an cho xác lập chuyên án đấu tranh, triệt phá.

Trung tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy được phân công nhiệm vụ là trưởng ban chuyên án. Ban chỉ đạo chuyên án gồm có Cục trưởng A06, Ban giám đốc Công an TPHCM…

Sau 8 tháng áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, với hàng trăm lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia ở nhiều tỉnh, thành phố, Ban chuyên án đã thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ phạm tội, sau đó đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an cho phá án.

Trung tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Trung, Cục trưởng Cục Kỹ thuật nghiệp vụ Bộ Công an trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo phá án. Chuyên án còn có sự tham gia của các đơn vị A06, A07, A08, C09, K02, Công an các tỉnh Kon Tum, Bình Dương, Bình Định, Ninh Thuận, Cao Bằng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TPHCM, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Vụ 4, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tổ chức tấn công, phá án.

Hợp tác quốc tế chặt chẽ

Khoảng 6h ngày 6/8, tại khu Làng nghề, thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum gần 100 cán bộ, chiến sỹ thuộc các lực lượng đồng loạt đột kích vào nhà xưởng của Công ty TNHH xuất, nhập khẩu Đồng An Viên, nơi các đối tượng đang tiến hành sản xuất ma túy tổng hợp.

Tại đây, Ban chuyên án khống chế, bắt quả tang 7 đối tượng đều là người Trung Quốc đang có hành vi sản xuất trái phép chất ma túy. Trong đó, lực lượng chức năng đã bắt giữ được đối tượng Thái Tự Lực và Tống Kiến Hoàng cùng sinh năm 1963, quốc tịch Trung Quốc là đối tượng chủ mưu cầm đầu. Trong đó, Thái Tự Lực là đối tượng có tiền án chung thân về tội sản xuất trái phép chất ma túy tại Trung Quốc, mới được ra tù. Còn Tống Kiến Hoàng là người có trình độ và có kinh nghiệm trong sản xuất ma túy tổng hợp. Các đối tượng còn lại có nhiệm vụ vận hành máy móc, thiết bị.

Vật chứng thu giữ 140 lít dung dịch dạng sệt, qua giám định nhanh có thành phần Methamphetamine (ma túy đá). Trên 13 tấn hóa chất, tiền chất các loại được đựng trong các thùng phi, can nhựa, thùng nhựa, chai, lọ thủy tinh, bao giấy… phục vụ sản xuất trái phép chất ma túy. Khoảng 20 tấn máy móc, thiết bị, dụng cụ được lắp đặt thành dây chuyền đang sản xuất trái phép chất ma túy (hệ thống bình phản ứng, máy gia nhiệt, máy li tâm, máy sấy khô…). Với lượng hóa chất, tiền chất nêu trên, nếu sản xuất trót lọt, ước tính các đối tượng sẽ sản xuất 1 tấn ma túy tổng hợp dạng “đá”.

Ngay sau khi bắt quả tang 7 đối tượng người Trung Quốc đang sản xuất ma túy thành công, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phối hợp cùng các lực lượng chức năng của Công an các đơn vị địa phương đồng loạt triển khai 10 tổ công tác tại các tỉnh, thành phố trong cả nước tiến hành khám xét và triệu tập các đối tượng để lấy lời khai, xác minh, thu thập chứng cứ.

Tại các địa điểm khám xét nêu trên, lực lượng chức năng thu giữ 157 thùng hóa chất các loại, 380 bao hóa chất dạng bột, 84 can hóa chất các loại sử dụng vào sản xuất ma túy tổng hợp.

Kết quả điều tra, bước đầu các đối tượng khai nhận chúng nhập cảnh vào Việt Nam bằng nhiều đường khác nhau, đi đến các địa phương ở xa trung tâm thành phố, tìm những doanh nghiệp có sẵn kho xưởng, có đường vào độc đạo, dễ che giấu việc sản xuất ma túy, lừa đảo doanh nghiệp bằng cách đặt vấn đề nhờ sản xuất thử nghiệm thuốc trừ sâu và thuốc diệt chuột, nếu thành công sẽ đầu tư số lượng tiền lớn vào doanh nghiệp và sản xuất thành công sẽ cho làm đại lý độc quyền.

Sau khi doanh nghiệp đồng ý, chúng sẽ tập trung sản xuất ma túy tổng hợp trong nửa tháng đến 20 ngày sau đó chấm dứt và chuyển sang địa điểm khác để tránh sự việc bị bại lộ. Tại Kon Tum, Lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo chủ động triệt phá ngay khi đối tượng vừa sản xuất xong ma túy tổng hợp.

Sau khi triệt phá đường dây tại Việt Nam, đoàn công tác của Bộ Công an Trung Quốc đã đến Kon Tum phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy trao đổi các thông tin, tài liệu, củng cố chứng cứ phục vụ truy bắt các đối tượng có liên quan hoạt động ở Trung Quốc.

Đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 8 đối tượng, Công an Trung Quốc khởi tố bị can 18 đối tượng. Hiện nay lực lượng chức năng 2 nước vẫn tiếp tục phối hợp điều tra mở rộng triệt để chuyên án này.

Đây là lần đầu tiên Lãnh đạo Bộ Công an Việt Nam cho phép Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy xác lập đấu tranh chuyên án chung giữa Việt Nam với nước ngoài để triệt phá toàn bộ đường dây sản xuất ma túy xuyên quốc gia.

Chiến công này minh chứng cho việc hợp tác quốc tế chặt chẽ, hiệu quả giữa lực lượng Công an Việt Nam và lực lượng Công an Trung Quốc, sự phối hợp, hiệp đồng hiệu quả của các lực lượng nghiệp vụ của Bộ Công an và các địa phương, sự không ngại khó khăn, gian khổ nguy hiểm của hàng trăm cán bộ chiến sỹ khi phải mật phục, theo dõi các đối tượng hàng tháng trời.

Sau khi triệt phá thành công đường dây sản xuất ma túy tổng hợp tại Kon Tum, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi Thư khen Ban chuyên án.

Ghi nhận thành tích xuất sắc của các tập thể thuộc Cục C04, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và các đơn vị, địa phương trong đấu tranh triệt phá đường dây sản xuất ma túy tổng hợp do người Trung Quốc cầm đầu ở Kon Tum, Bộ trưởng Bộ Công an có Quyết định thưởng cho 34 tập thể tham gia đấu tranh chuyên án.

Theo Tiếng chuông

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ