Bộ Công an hướng dẫn cách nhận biết thông tin bịa đặt về COVID-19

GD&TĐ - Thời gian gần đây, lợi dụng tình hình của dịch bệnh COVID-19, các đối tượng xấu đã lợi dụng phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin giả, tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo.

Bộ Công an hướng dẫn cách nhận biết thông tin bịa đặt về COVID-19

Theo đại diện Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam, những ngày gần đây, cùng với các diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19, lợi dụng sự chú ý của cộng đồng, tin giả liên quan đến dịch bệnh cũng đang xuất hiện nhiều trên không gian mạng, đặc biệt là trên mạng xã hội.

Dó đó, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam đề nghị cộng đồng cần cẩn trọng khi tiếp nhận và chia sẻ thông tin từ các nguồn tin không chính thức, làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác truy vết, phòng chống dịch bệnh.

Trang thông tin điện tử tổng hợp có địa chỉ: http://tingia.gov.vn là cổng thông tin chính thức công bố tin giả bằng hình thức dán nhãn tin giả, tin sai sự thật, công bố tin xác thực. Mọi cá nhân, tổ chức có thể phản ánh về tin giả qua đầu số 18008108, tổng đài của Viettel sẽ tự động và có người trực để hướng dẫn người dân cách gửi thông tin.

Ngoài nhiệm vụ tiếp nhận, phát hiện, thẩm định, gắn nhãn tin giả; công bố thông tin xác nhận tin giả, tin sai sự thật trên trang, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam sẽ chủ động phát hiện các xu hướng thông tin có lượng người chia sẻ tương tác lớn để đánh giá, thẩm định, dán nhãn tin giả (nếu có) để cảnh báo người dân không chia sẻ; hướng dẫn cách nhận biết, phòng tránh, đối phó với tin giả.

Việc tiếp nhận thông tin của Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam được thực hiện qua Cổng thông tin, đầu số 18008108 và email. Trong thời gian tới, trung tâm sẽ triển khai trên ứng dụng di động. Đây là những biện pháp nhằm đa dạng hóa việc tiếp nhận thông tin của trung tâm, chủ động đánh giá các thông tin có xu hướng lan tỏa lớn, thẩm định, công bố để cảnh báo.

Theo Bộ Công an, để tránh tin giả, điều quan trọng là người dân cần phải có kỹ năng để nhận biết đâu là thông tin trên trang mạng xã hội của cơ quan nhà nước, đâu là thông tin sai sự thật trên trang giả do các đối tượng xấu lập để thông tin sai sự thật.

Bộ Công an cho biết trên SKĐS, hiện nay, trên không gian mạng xuất hiện rất nhiều trang mạng, tài khoản đăng tải thông tin giả. Do đó, khi tiếp cận thông tin trên không gian mạng, người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo sàng lọc thông tin, tự trang bị kiến thức về pháp luật, xã hội và nhận diện rõ các thông tin xuyên tạc, giả mạo. Cụ thể:

Kiểm chứng cơ sở nguồn tin, xem thông tin đó đến từ nguồn nào, nếu đến từ một người lạ, thông tin không rõ ràng cần cảnh giác, có thể xem mục giới thiệu để kiểm tra.

Kiểm tra tên miền của trang mạng đăng tải thông tin, thường nguồn phát của thông tin xuyên tạc, giả mạo thường là những trang mạng có tên miền nước ngoài (.com, .org), không có đuôi tên miền Việt Nam “.vn”. Các trang mạng chính thống của cơ quan tổ chức Nhà nước có tên miền quốc gia “.vn” và có địa chỉ, thông tin đăng ký cụ thể rõ ràng trên trang.

Đối với các trang mạng xã hội của các cơ quan, tổ chức chính thống, thường đã được đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ và được cung cấp dấu bản quyền (dấu tích xanh). Người dân nên quan sát và phân biệt rõ các trang mạng xã hội chính thống và các trang giả mạo.

Kiểm tra tác giả, đọc kỹ nội dung để suy ngẫm xác định thông tin thật hay giả; tin tức giả hay bị lỗi chính tả hoặc có bố cục lộn xộn, các hình ảnh, video trong tin giả thường bị chỉnh sửa, cắt ghép, thay đổi nội dung, ngày tháng của sự kiện thường bị thay đổi. Tìm các tin, bài viết trên các trang chính thống, uy tín có nội dung tương tự để đối chiếu hoặc xin sự tham vấn của các chuyên gia trên từng lĩnh vực.

Lựa chọn thông tin đăng tải, chia sẻ từ những trang mạng xã hội nên tiếp cận các luồng thông tin chính thống; không tham gia đăng tải, chia sẻ, bình luận thông tin sai sự thật, hình ảnh phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục và văn hóa của dân tộc hoặc bôi nhọ, xúc phạm danh dự của tổ chức và cá nhân; thông tin trái với quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hoạt động vi phạm pháp luật hoặc thông tin mà chưa rõ nguồn gốc, chưa xác định được tính chính xác của thông tin.

Trường hợp phát hiện các hoạt động nghi có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý. Đẩy mạnh thông tin tích cực, có ý nghĩa trong cuộc sống, đấu tranh, phê phán lên án hành vi sai trái vi phạm trên mạng xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ