Bộ ảnh thảm sát Sơn Mỹ được trưng bày vô thời hạn tại khu chứng tích

GD&TĐ - Tác giả Ronald L. Haeberle đồng ý để Khu Chứng tích Sơn Mỹ trưng bày vô thời hạn các bức ảnh về vụ thảm sát Sơn Mỹ.

Quang cảnh buổi họp báo.
Quang cảnh buổi họp báo.

Chiều 15/3, tại Khu Chứng tích Sơn Mỹ (xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi), tỉnh Quảng Ngãi tổ chức họp báo cung cấp thông tin nội dung thỏa thuận về Giấy phép sử dụng ảnh của ông Ronald L. Haeberle về vụ thảm sát Sơn Mỹ xảy ra vào ngày 16/3/1968.

Tại đây, ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Sở VH-TT-DL cho biết, hôm 8/3 vừa qua, các bên liên quan tham gia đã ký kết thỏa thuận về giấy phép sử dụng ảnh của ông Ronald L. Haeberle, nhiếp ảnh gia, tác giả bộ ảnh về vụ thảm sát Sơn Mỹ.

Lãnh đạo Sở Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, tại buổi làm việc hôm 8/3, hai bên đã trao đổi trên tinh thần hiểu biết, tin cậy, cởi mở, chân tình, thẳng thắn và trách nhiệm và đi đến ký Thỏa thuận về giấy phép sử dụng ảnh của ông Ronald L. Haeberle.

Ông Ronald L. Haeberle, tác giả bộ ảnh vụ thảm sát Sơn Mỹ, đã đồng ý cho khu chứng tích Sơn Mỹ trưng bày các bức ảnh của ông liên quan đến vụ thảm sát. Ảnh chụp hôm 8/3.

Ông Ronald L. Haeberle, tác giả bộ ảnh vụ thảm sát Sơn Mỹ, đã đồng ý cho khu chứng tích Sơn Mỹ trưng bày các bức ảnh của ông liên quan đến vụ thảm sát. Ảnh chụp hôm 8/3.

Theo thỏa thuận đã ký kết, tác giả cho phép Khu Chứng tích Sơn Mỹ được sử dụng, sao chép một cách không độc quyền, không chuyển nhượng và không kèm bản quyền các bức ảnh màu, chỉ duy nhất cho mục đích trưng bày tại Khu Chứng tích Sơn Mỹ.

Theo đó, Ban Quản lý Khu Chứng tích Sơn Mỹ trưng bày các bức ảnh của tác giả Ronald L. Haeberle. Trong đó, các bức ảnh màu được chú thích: Ảnh do Ronald L. Haeberle chụp 1968 Ronald L. Haeberle- Photograph by Ronald L. Haeberle © 1968 Ronald L. Haeberle.

Tất cả các bức ảnh đen và trắng được chú thích: Ảnh do Ronald L. Haeberle chụp-Photograph by Ronald L. Haeberle.

Bức ảnh màu Hai đứa trẻ được chú thích: "A young boy tries to shield his sister from bullets"- “Đứa bé trai cố che đạn cho em gái” (Theo chú thích của tác giả Ảnh do Ronald L. Haeberle chụp © 1968 Ronald L. Haeberle).

Vào sáng 16/3/1968, phóng viên ảnh chiến trường Ronald L. Haeberle theo chân một đơn vị quân đội Mỹ tiến vào làng Sơn Mỹ. Nhóm lính Mỹ đã xả súng vào những người nông dân, vào làng đốt nhà và tiếp tục bắn giết người già, đàn bà, trẻ con. Cuộc thảm sát diễn ra trong vòng 4 giờ đồng hồ, khiến 504 thường dân thiệt mạng.

Ronald L. Haeberle đã chụp lại tổng cộng 60 bức ảnh (40 trắng đen và 20 ảnh màu) ghi lại cảnh tượng kinh hoàng này. Cuối năm 1969, bộ ảnh thảm sát Mỹ Lai được ông đăng trên tạp chí Time, Life và Newsweek. Chính những bức ảnh của ông đã góp phần hâm nóng thêm phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam vào lúc bấy giờ.

Vào năm 1978, kỷ niệm 10 năm vụ thảm sát, lần đầu tiên Nhà chứng tích Sơn Mỹ đã trưng bày nhiều bức ảnh của Ronald L. Haeberle được lấy lại từ Tạp chí Life.

Trong loạt ảnh đó, có một tấm ảnh Anh che đạn cho em, cả hai sau đó đã bị sát hại, như chú thích của Tạp chí Life. Nhưng khi trưng bày tại Nhà chứng tích Sơn Mỹ lại ghi "Trương Bốn che đạn cho Trương Năm" - là tên của hai người đã bị giết tại một địa điểm khác với vị trí tấm ảnh mà tác giả chụp.

Ông Trần Văn Đức (62 tuổi) Việt kiều sinh sống tại CHLB Đức, cho rằng hai đứa trẻ trong ảnh chính là hai anh em của ông gồm ông và em gái Trần Thị Hà. Hiện, bà Trần Thị Hà (56 tuổi) đang sống ở xã Tịnh Châu, TP. Quảng Ngãi.

Qua nhiều năm miệt mài 'gõ cửa' các cơ quan chức năng Việt Nam và tìm sự giúp đỡ từ những nhân chứng để lại sự thật cho bức ảnh.

Đến tháng 9/2011, ông Đức đã sang Mỹ tìm gặp ông Ronald L. Haeberle với hy vọng tìm được manh mối sự thật cho bức ảnh. Cũng trong năm 2011, hai người đã trở lại Sơn Mỹ để cung cấp thêm thông tin, trả lại tên đúng với bức ảnh gây tranh cãi này. Và sau đó, “Bức ảnh Hai đứa trẻ” được ông Ronald L. Haeberle chú thích lại là “Đứa bé trai cố che đạn cho em gái”.

Bức ảnh lịch sử Ronald L. Haeberle.

Bức ảnh lịch sử Ronald L. Haeberle.

Tháng 4/2019, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM) thông báo kết luận cuộc họp hội đồng khoa học về việc chỉnh sửa nội dung chú thích trưng bày thảm sát Sơn Mỹ thuộc chuyên đề "Tội ác chiến tranh xâm lược".

"Sau thời gian xác minh, Hội đồng khoa học kết luận điều chỉnh nội dung chú thích cũ của tấm ảnh thành 'Anh che đạn cho em'. Anh Trần Văn Đức, 7 tuổi. Em Trần Thị Hà, 14 tháng tuổi. Hai anh em hiện còn sống", bà Trần Xuân Thảo, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Chủ tịch hội đồng khoa học cho hay.

Sau đó, ông Ronald L. Haeberle yêu cầu tạm dừng việc trưng bày ảnh của ông tại Khu Chứng tích Sơn Mỹ trước khi có sự thỏa thuận giữa tác giả ảnh và cơ quan chủ quản của Khu Chứng tích.

Đến hôm nay, các thủ tục cũng như gặp gỡ tác giả để trưng bày trở lại mới được hoàn tất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.