Bình yên không phải điều gì đó quá xa vời

GD&TĐ - Chiếc taxi 4 ngỗ ngụp lặn trên con đường dặt những ổ gà, ổ voi. Tôi liếc sang phía chị, tỏ vẻ ái ngại: “Lắc lư liên tục thế này có làm chị đau lưng không?”.

Bình yên không phải điều gì đó quá xa vời

Giọng điệu hào hứng của chị khiến tôi ngạc nhiên: “Vui mà em, chị ao ước được về quê em lâu lắm rồi ý. Ôi, chị ghen tị với em quá! Em nhìn kìa, hình như lúa sắp chín”.

Chị trả lời tôi nhưng mắt cứ dán vào tấm kính phủ đầy bụi, cố nhướn ra phía xa để quan sát cánh đồng cỏ thân to, cao nghều mà chị ngỡ là lúa”. Tôi cười: “Hihi, chị đúng là gái thành phố, em lại chả thèm khát gì ruộng đồng. Thực ra làng quê thuần túy ngày xưa đã bị tàn phá nhiều do công nghiệp hóa, nhà máy mọc lên, những cỗ xe lớn đổ về khiến con đường phẳng phiu trước kia biến thành ma trận”.

Chị có vẻ hơi sốc trước thái độ quá thẳng thắn của tôi. 2 chị em chơi với nhau khá lâu nhưng hiếm khi tôi bày tỏ cảm xúc mãnh liệt đến thế, nhất là khi nhắc đến nơi từng nuôi tôi khôn lớn. Chị nhẹ nhàng tỉ tê: “Có thể, khi đến tuổi của chị, em mới khao khát sự bình yên. Thực sự, chị chỉ ước có một chốn để về, chị quá sợ không khí ngột ngạt ở thành phố. Lúc nào chị cũng ước mình có một mảnh đất ở quê, xây một cái nhà nhỏ, trước nhà là một khoảnh vườn xinh xinh, chị sẽ trồng các loại hoa và thảo dược, đời chị chả cần gì hơn”.

Quan điểm của tôi hoàn toàn trái ngược với chị: “Em ở quê vài ngày thì được, nhưng bảo em ở cả tháng thì em chịu! Sự tĩnh lặng đáng sợ nơi này khiến em có cảm giác cuộc sống của mình kết thúc luôn ấy chị ạ”. Biết tôi còn ở độ tuổi thích sự ồn ào, nhiều âm thanh và màu sắc, nên chị không tranh luận nữa. Chúng tôi im lặng, kiên nhẫn băng qua nốt quãng đường khó đi.

Căn nhà cũ ở quê mẹ tôi đang ở là do ông bà để lại. Anh chị lớn nhà tôi đều đi làm ăn xa rồi định cư luôn tại những nơi ấy, nhà chỉ còn mẹ và tôi, tôi lại chỉ thích ở thành phố, mẹ tôi đành chấp nhận một chốn đôi nơi. Nhưng thật lòng, bà thích sống ở quê hơn.

Cánh cổng hé mở, bạn tôi reo lên: “Con chào U!”. Mẹ tôi phấn khởi lắm, cứ liên tục hỏi: “Chúng mày ăn gì để ta đi chợ?”. Bạn tôi hí hửng: “Con chỉ thèm món bún riêu của U thôi. Trời ạ, nhắc đến con đã thèm rồi”.

Thực ra đó chỉ là những câu hỏi mang tính “thủ tục”, bởi bạn bè tôi ai cũng mê món đặc sản mang bản sắc riêng của mẹ. Và lần nào về quê tôi chơi, họ cũng chỉ “order” độc món này. Vị bún riêu của mẹ không giống với bất kỳ món bún riêu nào họ từng thưởng thức ở thành phố.

Đánh chén no nê, chúng tôi quay về thành phố, có cả mẹ tôi đi cùng. Tôi biết, mỗi lần rời khỏi căn nhà đó là thêm một lần bà xót xa, thứ bà xót nhất chính là cây cối trong vườn, nhiều lúc tôi có cảm giác bà xót cây hơn cả xót con.

Đó là câu chuyện của vài năm trước, còn bây giờ mẹ tôi chuyển hẳn về quê. Tôi cũng có nhiều thay đổi trong suy nghĩ. Mới đầu, tôi phản đối kịch liệt việc mẹ về quê sống một mình, trong khi tôi không thể thu xếp công việc để về với bà liên tục. Nhưng không biết từ lúc nào, tôi bắt đầu thấy chán sự ồn ào nơi phố thị. Tôi dần ghét cả việc la cà hàng quán hay tung tẩy mua sắm ở các trung tâm thương mại, tự nhiên tôi thấy chúng hoàn toàn nhạt nhẽo, vô nghĩa.

Thời trẻ chỉ thích vi vu trên những chuyến bay đường dài, hạ cánh ở nơi được mệnh danh là thiên đường có thật. Nhưng giờ đây, tất cả những gì tôi ước ao là được thong thả ngả mình trên thảm cỏ xanh, ngửa mặt đón gió lành, nhắm mắt tận hưởng và chẳng phải nghĩ ngợi gì. Khi đủ “già”, tôi mới nhận ra, bình yên không phải điều gì đó quá xa vời, nó ở chính nơi tôi đang sống, chính điều tôi đang có.

Nghĩ là làm, tôi cầm điện thoại, tìm số của mẹ: “Mẹ ơi, mai con về nhé, mà lần này con về hẳn, không quay lại thành phố nữa”. Thông báo đột ngột khiến bà không khỏi kinh ngạc: “Ơ kìa, thế còn công việc?”. Tôi quả quyết: “Con thu xếp được”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.