Bình Thuận tăng cường biện pháp phòng chống Covid-19

GD&TĐ - Do dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp (cấp độ 3), tỉnh Bình Thuận áp dụng tăng cường biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Cổng TTĐT tỉnh Bình Thuận, tính đến 18h ngày 17/11, toàn tỉnh ghi nhận 10.657 ca mắc Covid-19 (Phan Thiết: 4.944, La Gi: 2.099, Hàm Thuận Bắc: 1.008, Tuy Phong: 780, Hàm Thuận Nam: 415; Đức Linh: 430; Tánh Linh: 304, Bắc Bình: 359, Hàm Tân: 165, Phú Quý: 153).

Căn cứ Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế thì tỉnh Bình Thuận hiện được đánh giá cấp độ dịch ở cấp độ 3 (vùng cam). Trong đó, TP. Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Bắc đang áp dụng cấp độ 4 (vùng đỏ) trong phòng chống dịch từ ngày 8/11.

Bên cạnh đó, huyện đảo Phú Quý, nơi gần 2 năm không có ca mắc Covid-19 thì từ ngày 12/11 đến nay đã có 153 mắc, chủ yếu là lây nhiễm cộng đồng.

UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, toàn tỉnh đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, Quyết định 4800 của Bộ y tế và thực tế địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đang diễn biến rất phức tạp, số ca mắc mới liên tục tăng và lan rộng ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Nguyên nhân là từng lúc, từng nơi chưa có sự đồng bộ, đồng lòng, quyết tâm; một số cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện công tác kiểm tra, giám sát chưa nghiêm, chưa triệt để, chưa kịp thời. Ý thức của một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là… Điều này dẫn đến nguy cơ dịch bệnh khó kiểm soát hoặc có thể mất kiểm soát trong thời gian tới, nhất là tại địa bàn TP. Phan Thiết.

Trước tình hình này, UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất 8 nhóm giải pháp tăng cường trong phòng, chống dịch với mục tiêu hạn chế tiếp xúc giữa người với người, hạn chế đi lại, giao lưu của người dân và tạm dừng các hoạt động chưa thật sự cần thiết nhưng vẫn phù hợp với quy định tại Nghị quyết 128.

Theo đó, tập trung kiểm soát chặt việc ra vào của người dân ở “vùng đỏ” với việc yêu cầu người dân chỉ ra ngoài khi có việc thật sự cần thiết và phải đảm bảo đầy đủ 2 điều kiện, gồm: Có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine hoặc có giấy chứng nhận đã điều trị khỏi bệnh Covid-19 không quá 6 tháng hoặc có kết quả xét nghiệm SAR-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ; có các loại giấy chứng nhận/xác nhận việc ra ngoài của người dân đã được cấp có thẩm quyền cấp (đi làm việc, phiếu đi chợ, khám chữa bệnh….

Tổ chức lại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch liên phường/xã; tăng cường chốt kiểm soát phòng, chống dịch ở địa bàn giáp ranh huyện, thị xã, thành phố để kiểm soát chặt chẽ người dân ra/vào vùng đỏ; thành lập nhiều tổ thường xuyên tuần tra, kiểm soát lưu động việc đi lại của người dân trong vùng đỏ; tiếp tục yêu cầu người dân không ra đường vào ban đêm…

Tại cuộc họp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức cuộc họp về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh ngày 18/11, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An thống nhất các nhóm giải pháp phòng chống dịch UBND tỉnh đã đề xuất.

Ông Dương Văn An lưu ý các giải pháp cần áp dụng phù hợp bảo đảm tuân thủ quy định của Nghị quyết 128.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng và các địa phương chủ động tổ chức xét nghiệm sàng lọc ở những nhóm đối tượng có nguy cơ cao; thực hiện cách ly F1 tại nhà đối với các trường hợp đủ điều kiện. Các địa phương cần mạnh dạn áp dụng điều trị tại nhà trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cũng lưu ý các địa phương lên phương án đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng khi vaccine được phân bổ, đồng thời xử lý nghiêm cán bộ, công chức không thực hiện “5K” và gây khó khăn, cản trở tại các chốt kiểm soát phòng chống dịch, gây phiền hà người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.