Theo bà Nguyễn Thị Nhật Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương, kế hoạch trên nhằm giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh vào đầu năm học mới.
Giảm từ 10 - 15%
- Chủ trương bình ổn giá sách giáo khoa xuất phát từ đâu, thưa bà?
- Những ngày qua, giá sách giáo khoa trở thành câu chuyện “nóng” tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV. Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa đặc biệt, có trợ giá. Tại Bình Dương, với đặc thù nhiều khu công nghiệp thu hút lực lượng lao động từ mọi miền đất nước nên vấn đề này được bậc phụ huynh quan tâm, theo dõi. Trước tình hình đó, sở GD&ĐT đã có ý kiến tham mưu với UBND tỉnh. Chúng tôi rất mừng là UBND tỉnh sớm ban hành kế hoạch để thực hiện bình ổn giá sách giáo khoa nhằm giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh vào đầu năm học mới.
- Vậy Bình Dương thực hiện bình ổn giá sách giáo khoa như thế nào, thưa bà?
- Để giúp phụ huynh chuẩn bị sách cho con em mình, năm nay UBND tỉnh tiếp tục giao Sở Công Thương, Sở GD&ĐT phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện chương trình bình ổn giá sách giáo khoa và dụng cụ học tập.
Theo đó, năm học 2022 - 2023, Bình Dương sẽ tiến hành các chương trình bình ổn giá sách giáo khoa, giảm giá 10% so với giá bìa theo danh mục doanh nghiệp đã đăng ký; vở và dụng cụ học tập giảm từ 10 - 15% so với giá thị trường trên nguyên tắc doanh nghiệp không bị lỗ. Tổng giá trị dự trữ hàng hóa bình ổn từ tháng 5/2022 đến hết ngày 25/12/2022 (kể cả học kỳ II năm học 2022 -2023) là 67 tỷ đồng.
Có 2 doanh nghiệp tham gia bình ổn giá, gồm: Công ty Cổ phần Sách - Thiết bị giáo dục Bình Dương và Công ty Cổ phần Phát hành sách TPHCM - FAHASA. Cụ thể, Công ty Cổ phần Sách - Thiết bị giáo dục Bình Dương tham gia với tổng trị giá 55 tỷ đồng, trong đó có hơn 32 tỷ đồng sách giáo khoa, tương đương hơn 2 triệu bản sách giáo khoa; hơn 13,5 tỷ đồng sách bổ trợ, tương đương với hơn 1,1 triệu bản sách bổ trợ; 1,5 tỷ đồng vở học sinh, tương đương 300.000 cuốn tập và hơn 7,4 tỷ đồng dụng cụ học sinh. FAHASA tham gia bình ổn thị trường với tổng trị giá 12 tỷ đồng là vở học sinh.
150 điểm bán sách giáo khoa bình ổn giá
- Sở GD&ĐT Bình Dương tham gia điều phối việc bình ổn giá sách giáo khoa ra sao?
- Sở GD&ĐT sẽ chủ trì, phối hợp cùng Sở Công Thương, sở ngành liên quan, UBND huyện, thị, thành phố chỉ đạo các phòng GD&ĐT cùng doanh nghiệp tổ chức hệ thống phân phối theo 3 cấp (tỉnh, huyện và xã). Tuy nhiên, các điểm bán bình ổn giá tập trung chủ yếu ở trường học, đại lý, nhà sách và nông trường cao su trên địa bàn tỉnh. Tổng số điểm bán đăng ký là 150 (Công ty Cổ phần Sách - Thiết bị giáo dục Bình Dương 146 điểm; FAHASA 4 điểm).
Sở sẽ chỉ đạo trực tiếp đến các phòng GD&ĐT, trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên và bồi dưỡng nghiệp vụ tỉnh, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn các huyện, thị, thành phố để có kế hoạch bán hàng bình ổn hiệu quả nhất. Tại điểm bán này, giá sách giáo khoa luôn thấp hơn 10 - 15% giá sách trên thị trường. Đối với phụ huynh không thể đến điểm bình ổn giá sách, nhà trường sẽ tiến hành mua giúp.
- Là người đứng đầu ngành GD-ĐT tỉnh Bình Dương, bà đánh giá thế nào về chính sách bình ổn giá sách giáo khoa của tỉnh trong năm học mới?
- Cá nhân tôi rất vui bởi ngành Giáo dục tỉnh đã kịp thời tham mưu, góp phần giảm gánh nặng tài chính cho phụ huynh các gia đình có con em đi học trong năm học 2022 - 2023. Mặc dù dịch bệnh Covid-9 đã cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên những tác động của dịch bệnh lên đời sống kinh tế của nhiều gia đình là rất lớn. Việc Bình Dương có chính sách bình ổn giá sách sẽ bảo đảm cân đối cung ứng đủ mặt hàng sách giáo khoa, tập và dụng cụ học tập phục vụ năm học mới. Sở GD&ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để đưa sách giáo khoa về các trường ngay trong dịp hè, đồng thời bảo đảm đủ sách, vở và đồ dùng học tập cho năm học sắp tới.
- Xin trân trọng cảm ơn bà!