Trong 24 giờ qua, tỉnh ghi nhận 4.129 ca mắc mới (dự kiến Bộ Y tế công bố vào bản tin lúc 19h00 ngày 25/8/2021).
Hiện các cơ sở điều trị Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang điều trị 15.641 bệnh nhân, trong đó tầng 1 có 5.852 bệnh nhân, tầng 2 có 9.029 bệnh nhân và tầng 3 có 760 bệnh nhân.
Tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận 81.182 ca mắc Covid-19; 670 bệnh nhân tử vong.
Toàn tỉnh hiện có 1.289 khu vực phong tỏa với 130.223 người; 25.707 người đang cách lytập trung; 8.689 trường hợp F1 cách ly tại nhà và 3.375 trường hợp F0 cách ly tại nhà.
Với mục tiêu không để người dân nào chịu đói trong những ngày thực hiện "khóa chặt" để dập dịch, ngày 24 và ngày 25/8, lực lượng chức năng TP.Thuận An, TX.Tân Uyên đã triển khai phân phát hàng hóa cho người dân 11 phường đang thực hiện “khoá chặt, đông cứng”. Các phần hỗ trợ gồm: Gạo, thực phẩm, gia vị, nước uống... tương đương với 50.000 đồng/người/ngày.
Ước tính có khoảng 332.048 người dân, công nhân, lao động ở trọ tại 07 phường "khóa chặt" của TX.Tân Uyên (gồm Hội Nghĩa, Khánh Bình, Thái Hòa, Tân Phước Khánh, Uyên Hưng, Tân Hiệp và Tân Vĩnh Hiệp) và 387.000 người dân, công nhân, lao động ở trọ tại 04 phường thuộc TP.Thuận An (gồm Bình Chuẩn, Thuận Giao, An Phú, Bình Hòa) được cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Bình Dương cũng ưu tiên vắc xin cho “vùng đỏ”, nhất là các phường được khóa chặt để thực hiện xét nghiệm kết hợp với tiêm vắc xin.
Để tổ chức lại hoạt động sản xuất tại các địa phương “vùng xanh”, Bình Dương triển khai thiết lập mô hình 3 xanh (doanh nghiệp, công nhân, nhà trọ) tại các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp ở thị xã Bến Cát, huyện Bàu Bàng, huyện Bắc Tân Uyên.
Khẩn trương xây dựng kế hoạch ứng phó trên 150.000 ca Covid-19
Ngày 25/8, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh ký văn bản hỏa tốc gửi các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh về xây dựng Kế hoạch ứng phó khi số ca nhiễm Covid-19 lũy kế trên 150.000 ca.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương xây dựng Kế hoạch ứng phó của ngành, lĩnh vực khi số ca nhiễm lũy kế trên 150.000 ca. Con số này tương đương với khoảng 100.000 giường điều trị thực tế.
Các thành viên Ban Chỉ đạo tính toán cụ thể nhu cầu đáp ứng nguồn lực, nhân lực, vật tư, trang thiết bị, phương tiện, phương án quản lý, huy động, điều phối nguồn lực, và tổ chức thực hiện gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, xây dựng Kế hoạch chung của tỉnh.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Giám đốc các Sở: Y tế, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Lao động-Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh ban hành Kế hoạch ứng phó khi số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn tỉnh lũy kế trên 150.000 ca.
Được biết, dự báo trong 2 tuần tới, số ca F0 của tỉnh sẽ tăng thêm 50.000 ca do tỉnh đang tập trung xét nghiệm tìm F0 lần 3, nâng tổng số ca bệnh lên trên 120.000 người.