Báo cáo của Sở Y tế Bình Định cho biết, tình hình bệnh tay chân miệng trên địa bàn xảy ra phức tạp. Riêng trong một tuần từ ngày 11/3/2021 đến 17/3/2021 đã ghi nhận 28 ca mắc mới.
Từ đầu năm đến hôm nay, Bình Định ghi nhận 41 ca mắc tay chân miệng.
Đối tượng mắc bệnh tay chân miệng thường là trẻ em vì cơ thể trẻ có ít kháng thể hơn so với người lớn và khả năng miễn dịch cũng kém hơn khi tiếp xúc với virus gây bệnh.
Hầu hết người lớn đã được miễn dịch, song vẫn có trường hợp mắc bệnh ở đối tượng thanh thiếu niên và người lớn.
Các bác sĩ khuyến cáo thường xuyên rửa tay sạch sẽ với xà phòng trước khi nấu ăn và ăn uống, trước khi cho trẻ ăn, sau khi dùng nhà vệ sinh và sau khi thay tã cho trẻ.
Làm sạch môi trường và các vật dụng dễ bị ô nhiễm (bao gồm đồ chơi, bàn ghế, tay nắm cửa,...) với nước.
Khi đã mắc bệnh, tạm thời không cho trẻ đi mẫu giáo, nhà trẻ, trường học hoặc những nơi đông người mà nên đi thăm khám, điều trị cho hết bệnh.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện ca bệnh COVID-19 (bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona), bạch hầu, Zika.
Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân, bệnh sốt xuất huyết, cúm, tay - chân - miệng, sởi, bạch hầu, dại và các bệnh truyền nhiễm khác; triển khai các biện pháp xử lý phòng chống sốt xuất huyết, phòng chống bệnh tay - chân - miệng, COVID-19, cúm A (H5N1), Zika; phòng chống dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người; tiếp tục triển khai xử lý ổ dịch theo quy định.
Tiếp tục thực hiện công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe về phòng chống bệnh sốt xuất huyết Dengue, sởi, tay - chân - miệng, bạch hầu, sốt rét, COVID-19, Zika, bệnh cúm lây truyền từ gia cầm sang người trên các phương tiện thông tin đại chúng.