(GD&TĐ) - Sáng ngày 3.8.2011, Sở Y tế Bình Định cho biết: trên địa bàn tỉnh đã có ca bệnh tay chân miệng tử vong đầu tiên. Bệnh nhân là một bé trai 4 tuổi ở thôn Thanh Long, xã Phước Mỹ, TP. Quy Nhơn. Bệnh nhân nhập viện ngày 30.7.2011 tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định trong tình trạng sốt cao, nổi nhiều nốt ở chân, tay và đến chiều 31.7 thì tử vong.
Theo ghi nhận thì hiện Bình Định đã có 25 trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh tay-chân-miệng. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế TP. Quy Nhơn đã tổ chức giám sát tình hình bệnh tay-chân-miệng và kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh ở 8 trường mầm non, mẫu giáo ngoài công lập trên địa bàn TP. Quy Nhơn và sẽ tiếp tục kiểm tra tại các huyện đã có ca bệnh.
ảnh minh họa |
Trước tình hình bệnh tay-chân-miệng có nguy cơ lây lan nhanh, Sở Y tế đã chỉ đạo các Trung tâm y tế phối hợp nắm tình hình và kiểm tra, giám sát vệ sinh phòng bệnh tại các trường mầm non, nhà trẻ trên địa bàn, nhằm phát hiện sớm ca bệnh... Theo kế hoạch, trong tháng 8, Sở Y tế sẽ phối hợp với Sở Giáo dục – Đào tạo tập huấn kiến thức về bệnh tay-chân-miệng cho giáo viên mầm non, nhà trẻ.
Bên cạnh đó, Sở Y tế đã yêu cầu các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, thành phố khẩn trương, chủ động lập dự trù, xây dựng kế hoạch cung ứng để đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch. Sở Y tế đề nghị Công ty Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định có kế hoạch chuẩn bị sẵn các loại thuốc để điều trị bệnh tay chân miệng theo phác đồ do Bộ Y tế ban hành, gồm các loại thuốc do Công ty trúng thầu gồm: thuốc tiêm Diazepam, thuốc tiêm Midazolam, thuốc viên Phenobarbital, thuốc tiêm Phenobarbital, thuốc tiêm truyền Dobutamin, thuốc tiêm truyền Immunoglobulin, thuốc tiêm Furosemid và các thuốc ngoài kế hoạch đấu thầu là thuốc tiêm Milrinone.
Song song đó, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cũng đã có công văn yêu cầu các cơ quan truyền thông đại chúng của tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống bệnh tay-chân-miệng; trong đó, tăng cường tin, bài về diễn biến, cách phòng, chống và điều trị bệnh; công tác thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo chống dịch của các ngành, các cấp.
Đài Truyền thanh các huyện, thành phố ngoài tăng cường các tin, bài còn đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền ở các “điểm nóng” như: trường học, chợ, nhà ga, bến xe, khu tập trung đông dân cư… Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố hướng dẫn, chỉ đạo các Đài Truyền thanh cơ sở tuyên truyền sâu rộng các thông tin liên quan đến bệnh tay-chân-miệng trong nhân dân./.
Phi Hùng