Biệt thự không phép ngang nhiên “mọc” trên đất của trường đại học

GD&TĐ - Dư luận tại Thị xã Từ Sơn xôn xao về việc, giữa khuôn viên của Trường ĐH Knh doanh và Công nghệ Hà Nội tại phường Đình Bảng ngang nhiên “mọc” lên 3 tòa biệt thự.

Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cơ sở tại phường Đình Bảng, Thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh.
Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cơ sở tại phường Đình Bảng, Thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh.

Là đơn vị thành viên của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam (VEA), ngày 15/6/1996, Thủ tướng Chính phủ ra QĐ số 405/TTg cho phép thành lập Trường ĐH dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội (năm 2006, sau đổi tên thành Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội – gọi tắt là HUBT).

Từ khi thành lập trường đến nay, trường hoạt động theo phương thức không vì lợi nhuận, các cổ đông được hưởng lợi tức cổ phần bằng lãi suất tiền tiết kiệm gửi ngân hàng. Từ năm 2013 đến nay (theo Luật Giáo dục đại học), lợi nhuận được tính bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ.

Hiện cơ sở chính của VEA và HUBT đặt tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Ngoài ra, HUBT còn có 2 cơ sở khác đặt tại phường Đình Bảng, Thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh và huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

3 căn "công trình" có kiểu dáng biệt thự "mọc" trong khuôn viên của HUBT.
3 căn "công trình" có kiểu dáng biệt thự  "mọc" trong khuôn viên của HUBT.

Thời gian qua, dư luận tại Thị xã Từ Sơn xôn xao về việc trong khuôn viên đất của HUBT tại phường Đình Bảng bỗng “mọc” lên 3 căn biệt thự to đẹp với diện tích mỗi căn rộng vài trăm mét vuông, cao 3 đến 4 tầng. Không chỉ 3 biệt thự này mà các cán bộ của trường còn đang mua bán công khai hàng chục lô đất biệt thự khác, được cho là của lãnh đạo VEA cấp.

Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, ngày 12/7/2007, UBND tỉnh Bắc Ninh cấp Giấy chứng nhận đầu tư “Dự án Đầu tư xây dựng khu liên hợp khoa học - đào tạo” cho chủ đầu tư là VEA. Dự án xây dựng cơ sở 2 của HUBT, đặt mục tiêu đảm bảo đào tạo khoảng 20.000 sinh viên đến năm 2020. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 461 tỉ đồng, trong đó huy động từ HUBT 300 tỉ đồng, các đơn vị thuộc VEA... đóng góp 161 tỉ đồng.

Ngày 9/7/2008, UBND tỉnh Bắc Ninh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (số AL644599) cho VEA tại xã Đình Bảng, H.Từ Sơn (nay là TX.Từ Sơn, Bắc Ninh) với diện tích 199.343,4 m2.

Theo các quyết định trên, thời gian thực hiện dự án là 50 năm và do là trường ĐH hoạt động theo phương thức không vì lợi nhuận nên được ưu đãi miễn thuế, giảm thuế. Đặc biệt, dự án được giao đất không thu tiền sử dụng đất.

Căn biệt thự mang kiến trúc hiện đại, bên ngoài có gắn biển Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam TTKT Việt Nam - châu Á - Thái Bình Dương VAPEC Việt - Mỹ.
Căn biệt thự mang kiến trúc hiện đại, bên ngoài có gắn biển Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam TTKT Việt Nam -  châu Á - Thái Bình Dương VAPEC Việt - Mỹ.

Tuy nhiên, tìm hiểu của Báo GD&TĐ cho thấy, việc triển khai dự án có rất nhiều sai phạm. Ngày 26/11/2019, UBND tỉnh Bắc Ninh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng của VEA, người đại diện là ông Nguyễn Quang Thái - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VEA. Lý do là chủ đầu tư đã vi phạm khi xây dựng tại khu B, khu C một số sân bóng đá, nhà tạm, hạng mục công trình 3 tầng không phù hợp quy hoạch. Đáng chú ý là việc tổ chức thi công xây dựng 3 công trình (3 - 4 tầng) kiểu dáng biệt thự sai quy hoạch chi tiết. Hình thức xử phạt bằng tiền là 110 triệu đồng, và buộc tháo dỡ công trình vi phạm...

Ghi nhận của PV Báo GD&TĐ ngày 15/8, 3 công trình kiểu dáng biệt thự kể trên vẫn đang tồn tại, ở cổng các biệt thự được treo các tấm biển có tên rất hàn lâm như: “Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam TTKT Việt Nam -  châu Á - Thái Bình Dương VAPEC Việt - Mỹ; Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam – TTKT Việt Nam – châu Á – Thái Bình Dương (VAPEC) TTKT Việt - Úc và Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam – VAPEC TTKT Việt Nam – châu Á – Thái Bình Dương TTKT Việt - Nga”...

Một căn biệt thự khác cao 4 tầng, ngoài cổng cũng được gắn biển Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam – VAPEC TTKT Việt Nam – châu Á – Thái Bình Dương TTKT Việt - Nga.
Một căn biệt thự khác cao 4 tầng, ngoài cổng cũng được gắn biển Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam – VAPEC TTKT Việt Nam – châu Á – Thái Bình Dương TTKT Việt - Nga.

Được biết, vị trí khuôn viên HUBT tại phường Đình Bảng nằm cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 25km. Ngay sát trường là khu đô thị của Tập đoàn tư nhân Dabaco. Được biết, hiện mỗi mét vuông đất ở phường Đình Bảng được giới kinh doanh bất động sản rao giá từ 30 - 35 triệu đồng/m2. Như vậy, với mỗi căn biệt thự rộng vài trăm mét vuông đang mọc trên đất của HUBT nếu có giấy tờ đầy đủ, với giá thị trường có thể lên tới hàng chục tỷ đồng.

Việc 3 tòa biệt thự ngang nhiên "mọc" lên và gắn những tấm biển thành các trung tâm kinh tế của VEA đang khiến dư luận đặt câu hỏi về việc, những tòa nhà này là của ai. Khu đất rộng gần 20ha của HUBT được tỉnh Bắc Ninh giao còn các tòa biệt thự nào khác nữa không?

Căn biệt thự cao 3 tầng, có diện tích vài trăm mét vuông với lối kiến trúc hiện đại, nếu có giấy tờ đầy đủ sẽ có giá thị trường lên đến hàng chục tỷ đồng.
Căn biệt thự cao 3 tầng, có diện tích vài trăm mét vuông với lối kiến trúc hiện đại, nếu có giấy tờ đầy đủ sẽ có giá thị trường lên đến hàng chục tỷ đồng.

Trước những dấu hiệu sai phạm của 3 tòa biệt thự kể trên và câu hỏi của dư luận, PV đã liên hệ với UBND Thị xã Từ Sơn để tìm hiểu rõ sự việc. Tuy nhiên, đến nay PV vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía chính quyền Thị xã Từ Sơn.

Trước đó, như Báo GD&TĐ đã thông tin, ngày 3/6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành QĐ số 671/QĐ-TTg cho phép chuyển đổi HUBT từ loại hình trường ĐH Dân lập sang loại hình trường ĐH Tư thục. Tuy nhiên đã hơn 1 năm trôi qua, HUBT vẫn đang chậm chễ thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Thậm chí, ngày 1/8/2020, HUBT còn ra thông báo về kế hoạch và lịch trình tiến tới đại hội đồng cô đông. Dự kiến ngày họp là 3/10/2020, tuy nhiên nếu phát sinh vấn đề mới như: phải giãn cách xã hội vi dịch Covid-19 tái diễn, thời gian họp các hội nghị có thể kéo dài, nhưng cố gắng chậm nhất là ngày 31/12/2020 phải họp Hội nghị Nhà đầu tư (ĐH đồng cổ đông) để bầu Hội đồng Trường và Ban Kiểm soát.

Liên quan đến thông báo nêu trên của HUBT, trao đổi với Báo GD&TĐ, một cổ đông cho rằng: “Lãnh đạo HUBT đang cố tình kéo dài thời gian thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Điều này đang làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông. Chúng tôi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc, yêu cầu nhà trường thực hiện nghiêm quyết định 671 của Thủ tướng”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ