Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc sau bao năm bôn ba đi tìm đường cứu nước đã bắt gặp được chủ nghĩa Mác - Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga, Người đã vận dụng vào Việt Nam để đề ra đường lối: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi lên xã hội cộng sản”.
Với tầm nhìn thời đại và khát khao giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức đô hộ của thực dân, Nguyễn Ái Quốc đã giương cao ngọn cờ Cách mạng Tháng Mười Nga hiệu triệu, vẫy gọi toàn dân tộc đứng lên. Đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười, Nguyễn Ái Quốc đã truyền bá lý tưởng cách mạng và thành lập Đảng Cộng sản để biến lý tưởng đó thành hiện thực trên đất nước mình.
Ngay sau khi Đảng Cộng sản ra đời, nổi lên phong trào cách mạng Xô viết Nghệ - Tĩnh với mục tiêu thành chính quyền công nông theo mô hình Liên Xô. Tuy chưa giành được thắng lợi, nhưng đây là bước tập dượt để chuẩn bị về mọi mặt, đón thời cơ giành chính quyền.
Nước Nga Xô viết ra đời và sau đó vào năm 1922 mở rộng thêm gồm 16 nước Cộng hòa thành Liên bang Cộng hòa XHCN Xô viết (Liên Xô). Từ một nước tư bản nghèo và đa sắc tộc, Liên Xô đã trở thành nước XHCN hùng mạnh, một cường quốc của thế giới, đánh bại chủ nghĩa phát xít trong Đại chiến Thế giới II.
Thắng lợi vĩ đại này đã mở ra cho thế giới một cục diện mới, hệ thống CNXH ra đời và hàng loạt các nước bị chủ nghĩa thực dân đô hộ vùng lên. Đây cũng chính là thời cơ cho cách mạng Việt Nam.
Khi Liên Xô đánh thắng phát xít Đức, thì cũng là lúc phát xít Nhật ở Đông Dương phải đầu hàng, quân đội Đồng minh chưa kịp vào giải giáp, thì Mặt trận Việt Minh đã phát động Tổng khởi nghĩa thành công; dõng dạc tuyên bố trước toàn thế giới sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cách mạng Tháng Tám thắng lợi là sự kết hợp tài tình giữa việc chuẩn bị lực lượng ở trong nước, với đón bắt thời cơ khi Liên Xô đánh bại phát xít Đức trong Đại chiến Thế giới II.
Từ việc tìm ra được con đường cứu nước, cho đến ngọn cờ tập hợp lực lượng làm cách mạng, đến việc có được thời cơ đứng lên giành chính quyền, cách mạng Việt Nam đều mang ơn Cách mạng Tháng Mười Nga, nhờ vào Liên Xô.
Trong quá trình tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Liên Xô luôn sát cánh cùng Việt Nam, Liên Xô đã vô tư và chí tình giúp Việt Nam trong kháng chiến chống ngoại xâm và xây dựng CNXH. Hàng năm viện trợ cho Việt Nam trên hàng triệu tấn vũ khí, đạn dược.
Ba phần tư số vũ khí trong đó có máy bay, tên lửa, xe tăng, thiết giáp, các loại khí tài hiện đại… là của Liên Xô. Đào tạo cho Việt Nam trên 5 vạn cán bộ khoa học và công nhân kỹ thuật trên mọi lĩnh vực (trong đó có hơn 3 vạn người có trình độ đại học và trên đại học), nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý và nhà khoa học của đất nước.
Về kinh tế, cả viện trợ và cho Việt Nam vay trên 55 tỷ USD; giúp tìm kiếm và hợp tác khai thác dầu khí với công nghệ hiện đại và đội ngũ quản lý, khoa học kỹ thuật lành nghề. Trực tiếp viện trợ xây dựng các công trình lớn như thủy điện Sông Đà, cầu Thăng Long, Đại học Bách khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô...
Khi Việt Nam giúp Campuchia chống bọn diệt chủng Pôn Pốt, hầu như các nước trên thế giới lên án thì vào thời điểm đó (năm 1978) Liên Xô ký Hiệp ước Hữu nghị Việt - Xô. Hai nước cùng tiến hành đổi mới, Liên Xô “cải tổ”, nhưng do xuất hiện chủ nghĩa cơ hội trong một bộ phận cán bộ cấp cao, từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênnin và bị địch lợi dụng chống phá nên sụp đổ.
Việt Nam tiến hành đổi mới nhưng vẫn giữ vững nguyên tắc độc lập dân tộc đi lên CNXH, trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Liên Xô sụp đổ, song quan hệ Việt Nam với Liên bang Nga vẫn được duy trì và phát triển trong điều kiện mới. Tổng thống Vladimir Putin và lãnh đạo Nga vẫn coi Việt Nam là đồng chí; hai nước nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện.
Việt Nam mua của Nga vũ khí hiện đại (như tàu ngầm, máy bay, khí tài thuộc thế hệ mới…), tiếp tục mở rộng hợp tác khai thác dầu khí. Đặc biệt Nga đã tuyên bố xóa hết nợ (gần 11 tỷ USD) cho Việt Nam.
Trong đại dịch Covid-19, Nga đã viện trợ cho Việt Nam hàng chục triệu liều vắc-xin và thuốc men, phối hợp phác đồ điều trị… Mặc dầu đang có xung đột quân sự Nga - Ukraine, nhưng quan hệ hợp tác Việt - Nga vẫn được củng cố và tin cậy lẫn nhau. Hai nước liên tục cử các đoàn cấp cao thăm, trao đổi, ký kết các hiệp định hợp tác với nhau trong tình hình mới.
Nước Nga phát triển đi lên theo “cơ chế thị trường định hướng xã hội”, kiên quyết đấu tranh bảo vệ nền độc lập đa sắc tộc trước âm mưu chống phá của phương Tây; dùng Ukraine làm chiến trường ủy nhiệm để đánh Nga hòng làm tan rã Liên bang Nga và áp đặt sự thống trị của thế giới đơn cực.
Với chính sách đối nội, đối ngoại bản lĩnh, linh hoạt và quyết đoán của Tổng thống Putin, nước Nga khắc phục mọi khó khăn trở ngại vươn lên thành một cường quốc. Trước sóng gió hiện nay với sự bao vây, cấm vận, áp đặt trên 12.000 lệnh trừng phạt ở trên tất cả các lĩnh vực, nước Nga vẫn không bị cô lập, không bị suy sụp vẫn đứng vững.
Mới đây, ngày 5/10, Tổng thống Putin tuyên bố: “Nước Nga đã vượt qua sự trừng phạt và giai đoạn phục hồi, đang trên đà phát triển”. Cùng với nhân loại tiến bộ, Nga đang ra sức tập hợp lực lượng chống lại sự bành trướng của khối quân sự NATO, của chủ nghĩa thực dân mới, vì lợi ích và quyền độc lập tự do thực sự của các dân tộc, vì an ninh và hòa bình thế giới.
Tình hữu nghị giữa Liên Xô - Việt Nam trước đây, Việt Nam - Liên bang Nga ngày nay được khơi nguồn từ Cách mạng Tháng Mười Nga, tiếp tục phát triển theo dòng lịch sử, mãi mãi là tài sản vô giá của hai dân tộc.
Việt Nam và Liên bang Nga luôn sát cánh bên nhau với tình nghĩa thủy chung sắt son, cùng nhau chiến đấu bảo vệ nền độc lập tự do của mỗi nước và góp phần quan trọng vào mục tiêu hình thành một thế giới đa cực vì lợi ích chính đáng của các dân tộc, phù hợp với tiến trình phát triển của thời đại và của nhân loại tiến bộ.